Người chuyển giới gặp nhiều khó khăn trong giáo dục, việc làm và sử dụng dịch vụ y tế
Người chuyển giới đang đối mặt với nhiều khó khăn trong giáo dục, việc làm và sử dụng dịch vụ y tế là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tham vấn ý kiến cộng đồng về quyền của người chuyển giới”.
Từ tháng 6-2018, trường Đại học Y tế cộng đồng Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu, thu thập khảo sát tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nghệ An về quyền hoc tập, việc làm, khám chữa bệnh, kỳ thị và phân biệt đối xử với người chuyển giới.
PGS.TS Hồ Thị Hiền, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo thống kê, tại Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển đổi giới tính và họ vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong giáo dục, việc làm và sử dụng dịch vụ y tế, do sự khác biệt giữa giấy tờ tùy thân và hình dáng bên ngoài.
Nhiều người chuyển giới gặp nguy cơ với sức khỏe, do ngại tiếp cận dịch vụ y tế vì sợ phân biệt đối xử, kỳ thị, sợ bị lộ diện; nhiều người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) mua ở "chợ đen”…
![]() |
Một số người chuyển giới nam sang nữ tham dự hội thảo |
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật chuyển đổi giới tính đã được Bộ Y tế xây dựng và được Bộ Tư pháp thẩm định, có báo cáo thẩm định từ tháng 1-2018.
Tuy nhiên, trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, Bộ Y tế ưu tiên cho các luật Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Khám bệnh chữa bệnh, Luật Dân số nên đang tập trung nguồn lực cho các luật này.
Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để “Hiểu biết về người chuyển giới” nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân, các bộ, ngành, Chính phủ, Quốc hội khi trình Dự án Luật này.
Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng hơn về các điều kiện để đảm bảo tính khả thi sau khi Luật được thông qua như chuẩn bị về số lượng bác sĩ tâm lý, bác sĩ phẫu thuật, tư vấn tâm lý, việc thay đổi tên, giới tính, thị trường hooc-môn và khả năng cung cấp…
Mục tiêu được đặt ra trong thời gian tới là vận động, truyền thông để giảm sự kỳ thị với người chuyển giới và ủng hộ việc đưa dự án Luật chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.
Trong đó, các cơ quan truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để tuyên truyền cho người dân hiểu chuyển giới không phải là bệnh, không tạo ra trào lưu, không ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa, đạo đức và những khó khăn mà người chuyển giới đang gặp phải.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cũng cho rằng, nếu thiếu các quy định của pháp luật, thì những khó khăn về giáo dục, việc làm, tiếp cận dịch vụ y tế đối với người chuyển giới sẽ không được giải quyết. Từ đó, cũng khiến người chuyển giới dẫn đến bế tắc, trầm cảm, hay những tệ nạn xã hội khác…
H.L