08:01 | 07/11/2020

Làm từ thiện không chuyên nghiệp sẽ hạn chế hiệu quả

Từ câu chuyện cứu trợ đồng bào vùng bão lũ ở miền Trung cho thấy, vấn đề từ thiện ở Việt Nam hiện nay còn thiếu tính chiến lược và chưa chuyên nghiệp. Vì thế, cần hướng đến “từ thiện phát triển” chứ không chỉ là từ thiện cứu trợ, từ thiện nhân đạo.

“Từ thiện phát triển” còn sơ khởi

Chia sẻ về khái niệm “từ thiện phát triển”, bà Tôn Nữ Thị Ninh-Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho biết: Người Việt Nam làm từ thiện từ xưa đến nay, lòng tốt của người Việt đặc biệt lúc đồng bào hoạn nạn không phải nói. Nhưng, cái cần phải nhận thức ra là từ thiện đơn thuần hoặc từ thiện cứu trợ, từ thiện nhân đạo thì có tính chất không chủ động, phải thiên tai hoạn nạn ai xin thì cho, giúp. Với sự phát triển kinh tế xã hội và phát triển chung của đất nước thì chúng ta cần bổ sung và nâng thêm tính chất hình thức của tư duy, hoạt động từ thiện sang cái gọi là từ thiện phát triển.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, từ thiện phát triển hoặc từ thiện chiến lược nói lên sự chủ động, không phải chờ lúc hoạn nạn mới làm mà chủ động để giải quyết một số vấn đề bức xúc, thiếu thốn của xã hội; là cách để góp phần vào giải pháp-ở đây kể cả vào tư duy cho giải pháp chứ không phải đâu đó người khác đưa giải pháp mình mang gạo, xi măng… mà chính là chủ thể từ thiện phát triển phải chủ động từ khâu hiểu vấn đề, hiểu tình hình cùng những chủ thể khác tìm ra con đường giải pháp và góp phần cho giải pháp đó bằng nguồn lực và năng lực của mình.

“Nói như vậy không phải tiến lên từ thiện phát triển là không có từ thiện cứu trợ vì từ thiện cứu trợ là luôn luôn cần thiết, nhưng từ thiện cứu trợ chỉ dừng lại ở đó thì xã hội đó khó nói là 1 xã hội phát triển. Chắc chắn bên cạnh từ thiện nhân đạo, từ thiện cứu trợ thì dần xuất hiện. Hình thái của từ thiện phát triển là xây cầu, có hệ thống ở nông thôn cho con em đi học, đi vào quỹ từ thiện theo cách nào đó hoặc đi xây nhà chống lũ”, bà Tôn Nữ Thị Ninh phân tích.

Hiện nay, hệ sinh thái của chủ thể người làm từ thiện tại Việt Nam rất rộng lớn, bao gồm các tổ chức từ thiện phát triển, các quỹ, tổ chức phi lợi nhuận cho đến các DN tự nhận là có trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, từ thiện phát triển vẫn khá sơ khởi, chưa có đào tạo chính quy, đầy đủ. Vì vậy, Việt Nam cần có nhận thức nơi các cấp chính quyền và ở các tổ chức, DN phải thấy rằng tư thiện phát triển là một nhân tố, động lực góp phần vào tổng thể quá trình phát triển của đất nước chứ không phải là bông hoa xinh đẹp bên rìa; phải nằm trong dòng chính của phát triển kinh tế-xã hội văn hóa của đất nước.

lam tu thien khong chuyen nghiep se han che hieu qua
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam phát biểu tại Hội thảo về Từ thiện phát triển được tổ chức tại Hà Nội mới đây. Ảnh: Vân Hà

Cần chuyên nghiệp, hợp tác-không phải mạnh ai nấy làm

Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh, tính chất một hoạt động từ thiện phát triển là chủ động, có tầm nhìn có đích rõ ràng để đeo đuổi; phải hướng tới sự bền vững phải minh bạch, giải trình và chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó mới tạo được niềm tin 2 chiều của nhà tài trợ và niềm tin nhưng người giúp đỡ hỗ trợ, tạo quyền năng cho họ. Việc từ thiện phát triển chưa chuyên nghiệp sẽ hạn chế hiệu quả, lẽ ra giúp được nhiều người hơn, giải quyết nhiều vấn đề hơn, có tính lâu bền hơn. Nếu chuyên nghiệp thì cũng số tiền đó, biết cách cho tặng, tổ chức cho thì đạt được giúp nhiều người hơn.

Liên hệ với việc hỗ trợ người dân miền Trung trong bão lũ vừa qua, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ, nói rằng từ thiện cần tốc độ nhưng trên thực tế, nghiên cứu tác hại của cơn bão không chỉ để người dân sống qua lụt, không bị chết đói, bệnh tật mà khi lũ rút rồi người dân sống bằng gì. Lòng thương của cộng đồng không thể kéo dài, ai cũng phải lo cho gia đình, lo kiếm sống. 6 tháng sau mọi người quay về gia đình mình rồi, nên tính dài hạn rất quan trọng.

“Người am hiểu đối tượng mình giúp đỡ sẽ đề xuất cách cứu giúp phù hợp như về cái ăn, hỗ trợ làm lại mái nhà, điện/nước… Lúc đó phải có tính dài hơi, quy hoạch và tính đến hiệu quả của đồng vốn”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho rằng, để hướng tới từ thiện phát triển cần phải xây dựng nhận thức cho người làm việc tốt về việc phải hiểu người được hỗ trợ cần cái gì, cần như thế nào (nếu đến vùng đói mang cao lương mĩ vị làm gì, đến vùng ngập nước mang gạo thì nấu kiểu gì vì không có điện, nước sạch, lửa? việc cho bánh chưng, bánh mì cũng thông minh). Trên cơ sở đó lựa chọn phân khúc phù hợp, phân vai mình làm được gì và phân công người có năng lực thực hiện. Nhìn chung điều cốt yếu là những người trong chuỗi đó là người tử tế, chuyên nghiệp và hợp tác chứ không phải mạnh ai nấy làm.

Qua đợt bão lũ vừa qua cho thấy nhiều tổ chức, nhóm từ thiện xắn tay cùng làm. Mọi người đã suy nghĩ về biện pháp phù hợp nên thay vì phát gạo đã phát bánh chưng. “Vì vậy, tôi muốn nói cần chút ít thời gian, trước khi mang tình yêu thương thì phải có lý trí ngồi lại bàn với người thân về cách sử dụng tiền của quần chúng, tình yêu của quần chúng gửi đến mọi người; phải có cách cho, cách đưa cố gắng hiệu quả nhất có thể”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nhấn mạnh.

Nhấn mạnh vai trò của tập thể, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, không bao giờ một cá nhân có thể thay thế một tập thể. “Tôi không phản biện là cứu trợ cứ phải đưa qua một cơ quan, tổ chức nhưng dân chúng có lòng tốt đóng góp nhiều, mình do tiếng tăm tốt của mình, hiệu ứng mạng xã hội tập trung về mình thì mình phải có trách nhiệm suy nghĩ bằng lý trí chứ không chỉ bằng trái tim để giúp đỡ của mình hiệu quả tới nơi tới chốn”.

Vân Hà

Đường dẫn bài viết: https://phapluatxahoi.vn/lam-tu-thien-khong-chuyen-nghiep-se-han-che-hieu-qua-216444.html

In bài biết

Bản quyền thuộc Báo Pháp luật và Xã hội