Chuyện lạ khi sinh con thứ 3: “Tự nguyện” đóng tiền mới được lấy khai sinh?
Thời gian vừa qua, báo PL&XH nhận được phản ánh của người dân về việc họ đi làm giấy khai sinh cho con thứ 3 trở lên và bị “làm khó”. Họ phải “tự nguyện” đóng ít nhất 2 triệu đồng khi làm giấy khai sinh cho con mà theo họ “đây là khoản tiền lớn khiến nhiều gia đình nông dân phải chắt góp mấy tháng trời mới có được”.
Anh Võ Văn Hà, SN 1970, trú tại xóm 7, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn, Nghệ An, cho biết, để có được tờ giấy khai sinh cho đứa con trai thứ 3, chị Nguyễn Thị Lam, vợ anh Hà, đã phải lên xã “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng.
Anh Hà cho biết, “tôi cũng muốn sinh con thứ 3 từ lâu nhưng 18 năm nay, mặc dù vợ “thả” nhưng không có con trở lại. Cho đến thời gian gần đây, vợ thông báo có em bé. Tuy nhiên, khi lên Tư pháp xã làm giấy khai sinh cho con trai, anh mới vỡ lẽ “phải tự nguyện đóng 2 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh”.
“Khi tôi lên xã để làm giấy khai sinh cho con thì Tư pháp xã yêu cầu phải đóng 2 triệu đồng. Khi tôi thắc mắc thì được trả lời: “2 triệu đồng là đóng tự nguyện chứ không phải phạt. Đây là quy định đóng vào quỹ kế hoạch hóa gia đình. Không đóng sẽ không được làm giấy khai sinh”, anh Hà cho biết.
Tương tự, anh Nguyễn Đức Tuyến, SN 1977, trú tại xóm 11, xã Khánh Sơn 1, huyện Nam Đàn, cũng vỡ kế hoạch khi sinh con thứ ba. Khi lên xã làm giấy khai sinh cho con, anh được biết phải đóng 2 triệu đồng. “Tôi có hỏi nếu không đủ điều kiện đóng thì thế nào? Họ trả lời cũng sẽ được làm giấy khai sinh nhưng khi nào đóng tiền mới trả giấy khai sinh của con”.
Anh Tuyến cũng bức xúc cho rằng: “Nếu đây là chủ trương chung của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng đóng tiền, nhưng nếu là quy định của tỉnh, của địa phương thì tôi không đồng ý. Chúng tôi và những người nông dân ở đây, 2 triệu đồng là một khoản tiền rất lớn không phải ai cũng có điều kiện để đóng”.
Trước vấn đề này, ông Tô Bá Thắng – Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn cho biết: “Năm 2016, trên địa bàn xã có 33 trường hợp sinh con thứ 3 chiếm 19,3%. Để giảm tỉ lệ sinh con thứ 3, xã thực hiện quyết định 43/2015/QĐ-UBND ngày 21-8-2015 của tỉnh Nghệ An, vận động các cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ kí cam kết thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Nếu sinh con thứ 3 trở lên sẽ phải tự nguyện đóng ít nhất 2 triệu đồng”.
Ông Thắng khẳng định rằng: “Tiêu chí là vận động chấp hành và phải làm giấy khai sinh cho trẻ khi vỡ kế hoạch sinh con thứ 3 trở lên. Không có chuyện gây khó dễ khi không đóng 2 triệu đồng. Nếu có chuyện này tôi sẽ xem lại, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm”.
Trao đổi với PV, ông Dương Đỉnh Sơn – GĐ Trung tâm Dân số huyện Nam Đàn khẳng định: “Việc thu tiền tự nguyện không quy định nhiều hay ít và không ép buộc ai. Số tiền này sẽ được chi vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bà mẹ và trẻ em. Việc thu tiền tự nguyện cũng không liên quan đến làm giấy khai sinh cho trẻ. Việc có khai sinh cho trẻ là quyền của trẻ em. Để người dân tự nguyện đóng góp, chúng tôi thường xuyên vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, thuyết phục để tư vấn tạo sự đồng thuận”.
Luật sư Nguyễn Văn Danh – Phó văn phòng Luật sư Vinh Diện và cộng sư (Đoàn luật sư Nghệ An) cho biết: Hiện nay, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì việc sinh con thứ ba không bị xử phạt hành chính. Việc yêu cầu người sinh con thứ ba “tự nguyện” nộp 2 triệu đồng mới làm thủ tục để khai sinh cho con là trái quy định tại khoản 1 Điều 7 Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1989 (Việt Nam là thành viên); Điều 30 Bộ luật dân sự 2015; Điều 11 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004: Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. |
Lê Quyết / PL&XH
- Cư dân yêu cầu bồi thường thiệt hại 2 tỷ đồng
- Vĩnh Phúc: Khó khăn trong dồn điền đổi thửa ở xã Phú Xuân
- Lại về chuyện vay qua app
- UBND huyện Nhà Bè đang tập trung phối hợp giải quyết
- Chữa bệnh theo facebook có thể làm hại sức khỏe của bản thân
- Vì sao Trung tâm phục hồi chức năng và dưỡng sinh Võ Hoàng Yên bị bỏ hoang?