Đổi mới giáo dục phổ thông: Những nội dung mấu chốt cần tháo gỡ
Tiền đề cho đổi mới là chương trình giáo dục mới
Bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định: “Giáo dục và đào tạo luôn giữ vị trí quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Chính vì thế, trước sự vận động và phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và tri thức nhân loại, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì mới nền giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới căn bản và toàn diện”.
TS Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết mặc dù GDPT hiện nay đạt được nhiều kết quả khả quan. Hệ thống mạng lưới được phát triển rộng khắp trên toàn quốc; tỉ lệ nhập học đúng độ tuổi ở các cấp học từ cấp PCGD từ năm 2010 đến nay ngày càng cao. Việt nam đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và PCGD từ năm 2010 đến nay càng cao; Công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT đã bước đầu có sự chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên, do chương trình GDPT hiện hành chưa tạo thuận lợi cho công tác định hướng nghề nghiệp nên hiệu quả giáo dục hướng nghiệp và định hướng nghề còn hạn chế.
Mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, tỉ lệ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị, giữa trẻ em người Kinh và người dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch. Năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế… Chính vì thế, trong giai đoạn tới cần có những định hướng và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng GDPT.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình GDPT mới, cũng trình bày tóm tắt Chương trình GDPT tổng thể, trong đó chú ý đến định hướng của Chương trình GDPT mới là chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Lần đầu tiên, Chương trình GDPT mới không quy định số tiết dành cho mỗi môn học và hoạt động giáo dục trong từng tuần mà chỉ quy định thời lượng trong một năm, dành quyền cho các cơ sở giáo dục tự sắp xếp thời khóa biểu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: Chương trình hiện hành đã triển khai, thực hiện được 17 năm, cần thay đổi bằng chương trình mới. Chương trình mới này đã được Nghị quyết 88 của Quốc hội thông qua.
Theo Thứ trưởng, Chương trình GDPT mới - chương trình quốc gia tập trung đề ra những chuẩn kiến thức, kĩ năng và quy định cụ thể về nội dung chương trình và phương pháp. Chương trình đó thống nhất trong toàn quốc.
Nội dung chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.
Chất lượng giáo dục nằm ở yếu tố người thầy
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ của Quốc hội cho biết, các thầy cô là những người đưa con chữ đến với trẻ em, là những người dẫn bước đi ban đầu chập chững và góp phần hình thành nhân cách, đạo đức, nhận thức xã hội cho các em. Theo ông Phan Thanh Bình, chất lượng GDPT là một chủ đề lớn luôn được xã hội quan tâm, ba vấn đề cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc hiện nay là: Chương trình và phương pháp dạy học phổ thông; Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục phổ thông.
GS Đinh Quang Báo, trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, để phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục có nhiều giải pháp được giải quyết đồng bộ. Đối với Việt Nam hiện nay, giải pháp tiên quyết là thu hút người giỏi vào ngành sư phạm để đào tạo giáo viên bằng cách khảo sát, quy hoạch lại số lượng, cơ cấu các loại giáo viên phổ thông để xác định, điều chỉnh quy luật cung cầu.
Tiếp đó điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đáp ứng đầu ra có việc làm; Khi cân bằng cung cầu sẽ có điều kiện đầu tư cao hơn cho việc đào tạo mỗi sinh viên sư phạm; quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm để xây dựng các cơ sở đào tạo giáo viên với quy mô đảm bảo đào tạo chất lượng cao cho mọi chuyên ngành, mọi trình độ; chế độ đội ngũ giáo viên…
“Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đang tăng cường các điều kiện vật chất, đội ngũ để việc triển khai chương trình mới; trong đó điều quan trọng nhất là phát triển năng lực đội ngũ qua bồi dưỡng, tập huấn” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nói.
Về quản lý đội ngũ, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, đây là những vấn đề ngành giáo dục đang tập trung thực hiện; đặc biệt khi có Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phát triển các trường sư phạm. Nhiều giải pháp để quy hoạch đội ngũ, đảm bảo yêu cầu của chương trình GDPT mới đang được thực hiện.
Phan Thủy / PL&XH
- Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đề xuất học sinh đi học trở lại từ ngày 1-3
- Thêm tỉnh, thành quyết định cho học sinh đi học trở lại từ ngày 1-3
- Thi đánh giá năng lực: Mỗi thí sinh một đề thi riêng
- Lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm: Cẩn trọng, bài bản, chắc chắn, khả thi và đảm bảo tính hệ thống
- Không nên chỉ dạy cho đủ giờ!
- Hà Nội: Yêu cầu giáo viên chủ động nghiên cứu SGK lớp 2, lớp 6 qua internet
- Trung cấp kế toán chính quy
- https://netviet.edu.vn/
- Viettimes tin tức kinh tế mới nhất