Đồng Nai: Những vướng mắc trong việc khoán rừng phòng hộ Xuân Lộc
Qua 5 lần tổ chức thực hiện giao khoán...
Hầu hết các hộ dân tộc thiểu số đều sinh sống tại chỗ ngay trên diện tích rừng canh tác. Ngay từ lúc hợp đồng với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, các hộ dân cũng đã làm nhà ở trên đất hợp đồng để sản xuất. Nguồn thu nhập chính của các hộ từ sản phẩm nông nghiệp trên đất nhận khoán.
Tại khu vực Làng Tàu thuộc tiểu khu 204, phân trường Trảng Táo, nằm trên địa bàn ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, tiếp giáp khu vực Làng Mán, ban đầu có 38 hộ dân thực hiện canh tác với diện tích rừng 52 héc ta. Đến nay có 77 hộ dân (gồm 32 hộ người Hoa, 12 hộ người Tày, 33 hộ người Kinh) canh tác trên 127 héc ta.
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Xuân Lộc từ trước đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã tổ chức nhiều lần giao khoán đất cho các hộ dân thuộc khu vực Làng Mán và Làng Tàu. Qua quá trình thực hiện giao khoán đã thể hiện rất rõ các cơ sở pháp lý trong việc giao khoán đất, cũng như việc trồng rừng diễn ra giữa các hộ dân với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.
Cụ thể lần thứ nhất, thực hiện theo Quyết định 1571/QĐ-UBT ngày 04-11-1986 của UBND tỉnh Đồng Nai, năm 1987 Lâm trường Xuân Lộc (nay gọi là Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) ký “Hợp đồng liên kết trồng tiêu, cà phê dưới tán gỗ lớn” theo hình thức tập thể cho 2 nhóm hộ. Cụ thể, khu vực Làng Mán do ông Đặng Đức Quang làm đại diện, khu vực Làng Tàu do ông Nguyễn Văn Dũng làm đại diện.
Tại Điều 1 hợp đồng quy định: Bên A (Lâm trường Xuân Lộc) giao cho Bên B (những hộ dân) đất để trồng tiêu và cà phê, trồng xen cây dầu hoạc sao, diện tích đất, thửa số, năm thu hoạch của sản phẩm chính (tiêu, cà phê là 3 năm, dầu năm thứ 40, sao năm thứ 60). Bên A giao rừng tự nhiên để Bên B chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và điều chế theo kế hoạch của Lâm trường.
Cũng tại hợp đồng này, quy định trách nhiệm và quyền lợi Bên A: Phải thực hiện kế hoạch giao diện tích đất rừng rõ ràng trên thực địa cho Bên B trước khi nhận đất trồng và bảo vệ; hướng dẫn kỹ thuật cho Bên B theo đúng quy định, quy trình, tăng cường kiểm tra giúp Bên B làm đúng và làm tốt; san ủi đường lô, khoảng, mặt bằng, ủi các hồ đập chứa nước để phụ vụ sản xuất; cấp vốn, giống cây cho khâu điều chế rừng tự nhiên theo dự toán được duyệt; hỗ trợ một phần phân bón thuốc trừ sâu và nhiên liệu cho Bên B theo giá thỏa thuận.
Ngược lại, trách nhiệm và quyền lợi đối với Bên B được quy định: Vận dụng tốt đất đai, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh bảo đảm đạt năng xuất đối với các loại cây nông nghiệp, công nghiệp; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp sản phẩm như đã thỏa thuận; bên B không phải nộp thuế nông nghiệp...
![]() |
Người dân sản xuất nông nghiệp dưới tán rừng để ổn định cuộc sống. Rừng cây lớn (sao, dầu) hơn 30 năm tại khu vực rừng phòng hộ Xuân Lộc. |
Lần thứ hai, thực hiện theo Quyết định 327/CT ngày 15-7-1992 và Nghị định 02/CP ngày 15-1-1994 (Khoản 3, Điều 12), Lâm trường tổ chức thực hiện lập “Hợp đồng sử dụng đất để sản xuất nông lâm nghiệp” cho các hộ canh tác trên lâm phận. Trong đó có chuyển đổi từ nhóm hộ sang giao khoán cho hộ gia đình đối với hai nhóm hộ nêu trên.
Trong “Hợp đồng sử dụng đất để sản xuất lâm nông nghiệp”, tại Điều 1 nội dung sử dụng đất, quy định: Bên A giao cho Bên B các lô đất, diện tích, khoảnh; Bên B thực hiện sản xuất nông lâm nghiệp theo đúng thiết kế đã được Sở Nông Lâm Đồng Nai (nay là Sở NN&PTNT) phê duyệt. Trách nhiệm Bên A: Xác định trên thực địa phạm vi ranh giới đất tương ứng với bản đồ, lập thủ tục giao đất và hướng dẫn cho Bên B chuyển giao công nghệ có liên quan đến sản xuất cho Bên B; hỗ trợ cho Bên B vay vốn đầu tư; đến kỳ thu hoạch sản phẩm Bê A lập các thủ tục cần thiết như thiết kế khai thác, xin cấp phép và tạo điều kiện cho Bên B tiêu thụ các loại sản phẩm.
Ngược lại Bên B có nghĩa vụ và quyền lợi: Dọn đất trồng rừng và sản xuất nông nghiệp kết hợp; thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định; được hưởng toàn bộ sản phẩm lâm nghiệp, nông nghiệp đã đầu tư trên diện tích đất được giao...
Lần thứ ba, thực hiện theo Nghị định 01/CP ngày 04-1-1995, Lâm trường tổ chức rà soát, chuyển đổi “Hợp đồng sử dụng đất để sản suất nông lâm nghiệp” sang loại “Hợp đồng giao khoán sử dụng đất lâm nghiệp”. Khu vực Làng Mán có 50 hộ với diện tích 114 héc ta, khu vực Làng Tàu có 47 với diện tích 112 héc ta.
Đáng lưu ý ở thời điểm này có một số hộ còn lại không thực hiện chuyển đổi sang hợp đồng mới, mà vẫn giữ lại hợp đồng sử dụng đất năm 1994, do các hộ dân không đồng tình với hai từ “giao khoán” trong hợp đồng mới lần thứ 3 này.
Lần thứ tư, ngày 08-11-2005, Chính phủ ban hành Nghị định 135/2005/NĐ-CP về giao khoán áp dụng cho vùng quy hoạch sản xuất. Toàn bộ diện tích các hộ dân ở Làng Mán, Làng Tàu thuộc vùng quy hoạch phòng hộ nên không thuộc đối tượng chuyển đổi hợp đồng giao khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP.
Năm 2014, thực hiện Quyết định số 316/QĐ-UBND ngày 31-1-2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thu hồi đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc giao cho UBND các xã Xuân Tâm, Xuân Thành, Xuân Trường quản lý. Theo đó Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã thực hiện hoàn thành bàn giao đất, trong đó thanh lý hợp đồng với diện tích 16 héc ta của 22 hộ khu vực Làng Mán, và 28 héc ta của 32 hộ khu vực Làng Tàu bàn giao cho xã Xuân Tâm quản lý.
Lần thứ 5, thực hiện Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, ngày 27-12-2016 của Chính phủ về khoán rừng, Ban quản lý rừng đã xây dựng phương án khoán rừng, được Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai phê duyệt, hiện đang tổ chức thực hiện. Đến nay tại khu vực Làng Mán có 6 hộ với diện tích 16 héc ta, khu vực Làng Tàu có 9 hộ với diện tích 15 héc ta đã thực hiện chuyển đổi sang hợp đồng theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP này.
Có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Hiện nay, khu vực có các hộ gia đình tham gia thực hiện ký hợp đồng “liên kết trồng cà phê, tiêu xen trồng rừng gỗ lớn” với Lâm trường đã trở thành một phần khu vực ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc với những vườn cây có múi, vườn tiêu xanh tốt dưới tán lá của những cây sao, cây dầu hơn 30 năm tuổi.
Điều đáng quan tâm, từ năm 2005 đến nay, một số hộ dân Làng Mán đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan Nhà nước khiếu nại, đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên diện tích đất nhận khoán với Lâm trường.
Cụ thể một số hộ dân yêu cầu được cấp GCNQSDĐ thuộc diện đất lâm nghiệp đã được Nhà nước giao cho Lâm trường Xuân Lộc tại Quyết định số 1232/QĐ-UBT ngày 24/12/1977 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp. Thực tế thời điểm năm 1987, các hộ dân được Lâm trường Xuân Lộc hợp đồng giao khoán để ổn định sản xuất và cuộc sống theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của Nhà nước thì diện tích đất lâm nghiệp mà một số hộ dân kiến nghị được cấp GCNQSDĐ thuộc diện tích của UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Lâm trường Xuân Lộc quản lý, sử dụng từ năm 1977. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 19, Nghị định 43/2014/Nđ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ “quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai” thì những trường hợp không được cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, gồm: “người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng”.
Ông Hoàng Đình Long- Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết: “Từ các cơ sở pháp lý trên, có thể nói những hộ dân đang nhận khoán đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc thuộc diện không được cấp GCNQSDĐ. Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc đã nhiều lần tổ chức gặp gỡ các hộ dân để tuyên truyền, giải thích. Sau đó UBND các cấp cùng các sở, ban ngành đã làm việc cụ thể với với các hộ dân trong diện hợp đồng năm 1987 tại Làng Mán, đồng thời trả lời việc kiến nghị cấp GCNQSDĐ của các hộ không có cơ sở giải quyết”.
Trao đổi với chúng tôi về các điều khoản, quy định qua các hợp đồng trên giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và các hộ dân, luật sư Lê Thái Long (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhìn nhận: “Thực tế diễn biến quá trình hợp đồng của hai bên, khi xác lập hợp đồng lần thứ nhất và lần thứ hai, do chưa có quy định cụ thể của Nhà nước nên tên gọi và nội dung hợp đồng căn cứ vào tình hình thực tế và thỏa thuận giữa Lâm trường và các hộ dân. Điều này thể hiện rõ việc Lâm trường giao đất cho các hộ dân. Kèm theo đó là Lâm trường cũng có những quy định cắm mốc ranh giới, các thông báo ký kết hợp đồng thỏa thuận. Vì vậy việc các hộ dân đề nghị được cấp GCNQSDĐ là không khả thi..”.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Thái Long, Nhà nước cần xem xét lại quá trình cống hiến trồng và bảo vệ rừng của các hộ dân, họ cần được đảm bảo về mặt cuộc sống bền vững. Riêng việc quy định về khai thác, thụ hưởng sản phẩm rừng cũng cần xem xét về quyền lợi của người dân khi đã thể hiện rõ ở “Hợp đồng sử dụng đất để sản xuất lâm nông nghiệp” giữa hai bên (lần thứ 2) vào năm 1994, quy định người dân “Bên B được hưởng toàn bộ sản phẩm lâm nghiệp, nông nghiệp đã đầu tư trên diện tích đất được giao”...
Ngày 14-1-2020, tại cuộc đối thoại với những hộ dân trồng rừng thuộc Lâm trường nói trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Gọi, kết luận: “Qua hồ sơ và các hợp đồng ký kết giữa hai bên A và B, thể hiện Lâm trường Xuân Lộc (trước đây) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (hiện nay) đã thiết lập hợp đồng mới, thay đổi tên gọi của hợp đồng và điều chỉnh một số điều khoản trong hợp đồng là thực hiện theo quy định của Nhà nước tại từng thời điểm...”
“Việc thực hiện các nội dung trong hợp đồng là quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Nếu Lâm trường Xuân Lộc không thực hiện đúng các nội dung trong hợp đồng, thì các hộ dân nhận khoán rừng có thể khởi kiện tại Tòa án Nhân dân huyện Xuân Lộc”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Văn Gọi nêu quan điểm.
Thanh Huy
- Hà Nội: Phát hiện, xử lý hơn 1.000 cơ sở vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm
- Phường Trần Hưng Đạo: Hơn 5 năm không xử lý nổi một công trình vi phạm?
- Tiếp bài "Phường Ngọc Hà: Sau 25 năm, số phận của 2,5m2 mái bê tông vẫn… “lửng lơ”"
- Vụ một công dân tố bị 20 côn đồ tấn công: Lời khai trái ngược từ người bị tố cáo
- Uber đang tự gây "bão" phản đối của khách hàng?
- Một gia đình chính sách gần 8 năm đi đòi tiền bồi thường GPMB tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định