Hòa giải - giải pháp hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình
Hòa giải thành 22.293 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ; mà còn gây hậu quả nặng nề với từng thành viên trong gia đình, nhất là phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vì vậy, quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình đối với phụ nữ sẽ có những tác động tích cực vào việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt là góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em; đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình hoàn thiện, tác động tích cực vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ một cách tiến bộ, tích cực; xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, làm chủ.
Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cách thức xử lý đối với vi phạm bạo lực gia đình, nhưng hòa giải ở cơ sở là một hình thức, một giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Bởi thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên đã kịp thời làm dịu xuống và hóa giải những hành vi “giận quá mất khôn”, “giận cá chém thớt” của các bên. Từ quá trình hòa giải, hòa giải viên đã giúp cho các thành viên trong gia đình nhận thức rõ những quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới. Đặc biệt là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, trẻ em, người cao tuổi... và trách nhiệm, hậu quả của hành vi bạo lực gia đình do mình gây ra. Tiến tới giải tỏa vướng mắc, ngăn ngừa tội phạm; xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong gia đình, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua công tác hòa giải ở cơ sở còn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để cùng cấp ủy, chính quyền phòng, chống bạo lực gia đình, có thái độ nghiêm khắc và lên án hành vi bạo lực gia đình. Khuyến khích những nạn nhân bị bạo lực gia đình, nhất là phụ nữ, không e ngại, che giấu khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình mà có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết. Đối với người dân cũng chủ động thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện ra hành vi bạo lực gia đình.
Số liệu thống kê chưa đầy đủ của 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trên cả nước (chủ yếu do hòa giải vụ việc bạo lực gia đình chỉ là một phần trong tiêu chí chung về các vụ việc về hôn nhân và gia đình của biểu mẫu thống kê về công tác hòa giải ở cơ sở, việc ghi chép Sổ theo dõi công tác hòa giải ở cơ sở chưa được đầy đủ…) thì từ năm 2014 đến hết năm 2018, hòa giải viên ở cơ sở đã tiến hành hòa giải 26.771 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, hòa giải thành 22.293 vụ việc. Các vụ việc tiến hành hòa giải đã bảo đảm được thực hiện đúng quy định pháp luật, không xâm phạm các quyền cơ bản của con người, của phụ nữ và trẻ em và đúng đạo lý, qua đó phát huy ưu thế, tác động tích cực của biện pháp hòa giải ở cơ sở, hạn chế sai sót, sơ suất đẩy vụ việc thành phức tạp.
![]() |
Từ năm 2014 đến hết năm 2018, hòa giải viên ở cơ sở đã hòa giải thành 22.293 vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Ảnh minh họa |
Đẩy mạnh tuyên truyền về hòa giải cơ sở cho chị em phụ nữ
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải các vụ việc bạo lực cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại. Các vụ việc bạo lực thường do mâu thuẫn gia đình phát sinh dẫn đến bạo lực. Mâu thuẫn này có tính bột phát không phải thường xuyên. Các vụ bạo lực gia đình cũng thường mang tính khép kín, với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh, với tâm lý vợ chồng “đóng cửa bảo nhau” và tâm lý cam chịu của người phụ nữ do vậy rất khó khăn trong quá trình tiếp cận hòa giải.
Khi có bạo lực xảy ra, nhiều phụ nữ là nạn nhân bị bạo lực đã che giấu hành vi bị bạo lực gia đình của người chồng dẫn đến số vụ việc hòa giải cơ sở với vi phạm bạo lực gia đình còn ít. Hay các vụ bạo lực về thể chất đối với phụ nữ thì tổ hòa giải thường không thể trực tiếp tiến hành hòa giải mà phải có sự giúp đỡ của lực lượng CA địa phương nên đã hạn chế tính kịp thời của việc hòa giải.
Từ thực tiễn hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình, các địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực thi các quy định hiện hành hòa giải ở cơ sở đối với các vụ việc bạo lực gia đình. Chẳng hạn như lồng ghép tuyên truyền pháp luật về hòa giải ở cơ sở đối với các vụ việc bạo lực gia đình, nhất là đối với phụ nữ… Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng hòa giải các các vụ bạo lực gia đình, nhất là bạo lực gia đình đối với phụ nữ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở… Trên cơ sở các đề xuất, tới đây Bộ Tư pháp sẽ có các giải pháp để phát huy ưu thế, tác động tích cực của biện pháp hòa giải đối với các vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình.
Thanh Hải
- Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp trong gia đình
- Hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc
- Thực hư thông tin “từ 10-3, sinh con một bề được hỗ trợ mua BHYT, miễn giảm học phí”
- Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cả nam và nữ đang là nạn nhân của các "khuôn mẫu giới"
- Nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng và xóa bỏ bạo lực giới
- “Siêu nhân trường Ams” và niềm đam mê trở thành nhà Vật lý