Kết hợp tình lý là cái gốc để hòa giải thành công
Hiểu luật để hòa giải
Được biết đến là một hòa giải viên năng nổ, nhiệt thành của tổ dân phố số 1, Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội, ông Trần Thủ Thành, SN 1960 luôn tâm niệm, dù về hưu nhưng khi nhân dân đã tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải là đã gửi gắm niềm tin nơi mình. Đáp lại sự kỳ vọng đó, ông cùng các thành viên của tổ hòa giải luôn chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm và đời sống của bà con trong khối phố để hễ có mâu thuẫn nào mới phát sinh sẽ xử lý dứt điểm ngay từ cơ sở. Xuất phát từ chiến sĩ bộ đội về hưu rồi chuyển sang làm cán bộ công ty cơ khí, ông Thành đã dùng sự chân thành, tâm huyết và kiến thức cơ bản của mình vào hòa giải nhiều vụ tranh chấp. Ông cho biết, tổ dân phố có khoảng 500 hộ với gần 2.000 người dân với đa dạng thành phần, nghề nghiệp đòi hỏi công tác nắm tình hình phải được đặt lên hàng đầu, kết hợp tình và lý để hòa giải thành công. Một trong những vấn đề nảy sinh tranh chấp nhiều nhất chính là đất đai, mốc giới.
Hòa giải viên Trần Thủ Thành kể về trường hợp tranh chấp giữa hai hộ gia đình liền kề nhau dẫn tới kiện tụng. Khi gia đình anh B xây dựng thì bên anh A kiện vì cho rằng hàng xóm đã lấn sang nhà mình khoảng 10cm đất và yêu cầu anh B phải xây về đúng mốc giới. Bên anh B thì cho rằng, ngày xưa có giọt ranh có lợp ngói nên giờ lại xây hết đất giọt ranh, móng đâu xây đấy nên hai bên xảy ra giằng co, cãi cọ và có va chạm với nhau. Nắm bắt thông tin trên, tổ hòa giải đã tới tìm hiểu thực hư. Ông Thành lấy tình làng nghĩa xóm, sự đồng thuận ý kiến các bên để hòa giải. Xét theo góc độ pháp lý về luật xây dựng, xác mốc giới của anh ở đâu thì được xây tới đấy chứ không thể theo móng nhà. Nếu anh B cố tình không chấp nhận thì sẽ mời địa chính phường xuống đo đạc thực địa. Cuối cùng, hai bên đã thống nhất theo phương án mà tổ hòa giải đưa ra.
![]() |
Hòa giải viên Trần Thủ Thành đang trao đổi nghiệp vụ với cán bộ tư pháp phường Mễ Trì |
Anh em xích mích nhau chỉ vì đất
Một vụ việc khác khá phức tạp mà tổ hòa giải phải mất vài tháng vận động mới hòa giải thành liên quan đến vụ tranh chấp đất đai của hai anh em ruột. Ông bố có một thửa đất rộng khoảng 300m2, sau khi bán thì còn 2/3 liền xây nhà cho hai con. Miếng đất nhà người em được mang tên chính chủ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), còn miếng đất của người anh thì vẫn mang tên ông bố là chủ. Trớ trêu thay, do làm ăn thất bát và bị thua lỗ, người em đã bán hết cả nhà lẫn đất để trả nợ rồi đi ở thuê chỗ khác. Người anh muốn bố chuyển tên trong sổ đỏ cho mình thì người em lại nhất định không chịu kí xác nhận. Bởi theo luật, cho dù bố mẹ vẫn đang còn sống mà muốn chuyển đổi tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất thì phải được sự nhất trí, ký xác nhận từ các thành viên gồm vợ và các con trong gia đình. Dù khuyên bảo, động viên thế nào nhưng người em vẫn ngang tàng không chịu ký, người anh đã “cầu cứu” tới cán bộ của tổ dân phố.
Nhận được thông tin, ông Thành cùng tổ hòa giải đã tới gặp gia đình người em để trao đổi. Ông phân tích: Tình anh em như máu mủ ruột già, khôn ngoan đối đáp người ngoài chứ anh em trong nhà ai lại hơn thua, tị nạnh nhau chỉ vì đất cát. Bố mẹ đã chia cho mỗi người một mảnh đất để toàn quyền sử dụng. Anh tới nay có việc cần mới phải để bố làm thủ tục sang tên sổ đỏ thì cớ sao em lại ngăn cản. Mình giúp anh lần này thì anh sẽ giúp mình lần khác. Thôi thì vì tình anh em mà nên ký xác nhận cho anh làm thủ tục chuyển tên sổ đỏ cho êm xuôi. Với các thành viên khác trong gia đình, ông Thành cũng cho rằng, việc làm ăn nếu có thất bát thì anh chị em cùng xúm vào giúp đỡ chứ không được bỏ rơi nhau. Của cải có thể làm ra được chứ tình cảm mà mất đi thì vô cùng khó để lấy lại. Mưa dầm thấm lâu, những lần tới nhà tâm sự, giảng giải của tổ hòa giải đã có tác dụng, người em cuối cùng cũng nghe lời và tình cảm gia đình đã được hàn gắn lại. Ông Thành cho biết, mình phải dựa trên cơ sở pháp lý để nếu tiếp nhận những đòi hỏi vô lý của đương sự thì phải phản bác ngay.
Chú trọng tuyên truyền PBGDPL và hòa giải cơ sở
Theo lãnh đạo UBND phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng trong năm 2020, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở vẫn được địa phương duy trì dưới nhiều hình thức, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phòng dịch. Từ đầu năm đến nay, phường đã phát khoảng 6.000 tờ rơi tuyên truyền, 100 sách tìm hiểu pháp luật, hỏi đáp pháp luật về Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, quy định pháp luật liên quan đến quản lý nhà chung cư, Luật Tố cáo năm 2018. Tuyền truyền lồng ghép qua các hội nghị giao ban hàng tháng, hệ thống loa truyền thanh về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Luật An ninh mạng, Luật Hòa giải ở cơ sở… Phường cũng tổ chức 3 cuộc thi thu hút hơn 5.000 người tham gia gồm: Tìm hiểu pháp luật về môi trường; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng chống tham nhũng; cuộc thi pháp luật với mọi người do UBND quận Nam Từ Liêm và thành phố tổ chức.
Trên cơ sở của Luật Hòa giải ở cơ sở, UBND phường đã vận dụng sáng tạo, lấy bộ phận tư pháp và MTTQ phường làm nòng cốt, xây dựng mỗi tổ dân phố một tổ hòa giải. Phường đã kiện toàn 15 tổ hòa giải với 79 hòa giải viên. Năm 2020, các tổ hòa giải ở toàn phường đã tiến hành hòa giải thành 9/11 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,8%. Việc củng cố, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho tổ hòa giải, hòa giải viên luôn được UBND phường quan tâm. Thành phần tổ hòa giải phải là người có uy tín tại tổ dân phố. Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên được chú trọng và thực hiện thường xuyên.
UBND phường phối hợp với Phòng Tư pháp quận, Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận mở các lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật cho hàng trăm lượt hòa giải viên. Định kỳ hàng năm, các hòa giải viên được gửi tài liệu, kiến thức pháp luật về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… nhằm đáp ứng tốt hơn trong công tác hòa giải và nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, góp phần gìn giữ sự đoàn kết, bình yên tại khu dân cư.
Đình Tuệ
- Quý I - 2021, Bộ Tư pháp đã thi hành xong 178.437 án dân sự
- CSDL quốc gia về Bảo hiểm gồm 9 nhóm thông tin
- Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy
- Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
- Hà Nội đẩy mạnh thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực
- Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC