Không nên chỉ dạy cho đủ giờ!
Hiệu quả học trực tuyến phải tính toán lại
Theo Sở GD&ĐT Hải Phòng, qua khảo sát thực tế, Sở nhận thấy việc học trực tuyến với học sinh khối lớp 1, 2 là không ổn. Học sinh còn quá nhỏ để tự lập với thiết bị học, phụ huynh mất khá nhiều thời gian hỗ trợ, trong khi hiệu quả không cao.
Đó là tại Hải Phòng, còn ở một số địa phương khác, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng điều kiện hoàn cảnh còn khó khăn thì việc triển khai học trực tuyến lại có những vấn đề khác. Hiệu trưởng của một trường Dân tộc nội trú tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang cho rằng: Chúng tôi không thể triển khai cho các trường dạy học trực tuyến được vì hầu hết học sinh là con em gia đình khó khăn. Nhà nghèo, không có máy vi tính, ipad hay điện thoại thông minh. Ở nhiều bản, internet chưa có, mạng di động chập chờn. Đấy là chưa kể đến chất lượng nguồn cấp điện ở từng vùng các em ở cũng tương đối khác nhau.
Tại Hà Nội, địa phương có nhiều lợi thế, nhiều hình thức triển khai học trực tuyến cũng có những vướng mắc riêng vì khó khăn đặc thù của dân cư đô thị. Học sinh tiểu học, nhất là các lớp 1, 2, 3 học trực tuyến phải có cha mẹ kèm. Khung giờ học của con và giờ làm của cha mẹ lại trùng nhau. Các trường cần có thời gian và kinh phí để bồi dưỡng giáo viên. Đặc biệt việc quản lý quá trình kiểm tra và đánh giá học sinh khi dạy học trực tuyến là rất khó tin cậy và ít hiệu quả.
Thời gian học đa phần là buổi tối, nếu ghép 2 tiết học, thời gian con học sẽ lâu và khó tập trung. Chưa kể có nhà anh học, em học, ngồi lớp của con bé thì nghe thấy tiếng lớp con lớn, khó tập trung, không đáp ứng đủ thiết bị học tập.
Vì thế, mỗi trường cũng có cách triển khai khác nhau. Có trường cho học sinh lớp 1 học trực tuyến, có trường cô giáo gửi bài tập cho phụ huynh học sinh, để các con làm bài cho không quên kiến thức. Các video về thủ công, mỹ thuật, hát nhạc cũng được gửi qua nhóm zalo lớp để phụ huynh tự hướng dẫn con.
|
Làm sao cho hợp lý?
Thực tế thì dù còn có những khó khăn, bất cập, nhưng chuyển đổi mô hình học, sẵn sàng học trực tuyến là xu hướng, nếu không muốn nói đó là điều trong tương lai sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn. Không thể để tình trạng: Có dịch Covid-19 mới khởi động và triển khai dạy học trực tuyến, khi bình thường học tập trở lại, các trường lại sớm “quên đi tất cả”. Từ đó, sẽ rất lãng phí chất xám với cả hàng vạn bài giảng E-Learning và năng lực dạy học vốn có của giáo viên cũng như công năng cơ sở hạ tầng cho dạy - học trực tuyến bị bỏ phí, dùng không hết.
Cô giáo Nguyễn Thị Lý, giáo viên TH Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội cho rằng, với lứa tuổi tiểu học, để học có hiệu quả thì phải có sự tham gia của phụ huynh. Và chính giáo viên khi dạy cũng phải chú ý lớp học online chứ không đơn giản là chỉ dạy cho hết tiết. Ví dụ một tiết học Toán lớp 3 của thầy Nguyễn Văn Sáu, trường TH Lê Quý Đôn, Hà Đông, thầy yêu cầu học sinh bật cam hoàn toàn trong giờ học, em nào có biểu hiện sao nhãng, ngồi làm việc riêng sẽ gọi trả lời bài, và ghi lại để có sự trao đổi với phụ huynh, nhằm tăng cường phối hợp giữa gia đình và thầy cô để hỗ trợ các con.
Để giờ học online hợp lý, không gây chán, tăng hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương nên căn cứ đặc điểm tình để có giải pháp học online cho phù hợp. Có giải pháp hỗ trợ các em gia đình còn khó khăn khi giảng dạy internet.
Và đối với những địa phương có điều kiện triển khai trực tuyến, thì nên căn cứ hợp lý, lứa tuổi của các con, các bài giảng, các môn học, cách ghép tiết phải hợp lý để học sinh không bị nhàm chán, quá tải thời gian ngồi yên một chỗ.
Tiến sĩ Linda Carling tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) đề xuất một số mẹo để giúp trẻ tập trung chú ý khi học trực tuyến phòng, chống dịch Covid-19: Xác định cách học thích hợp; Khuyến khích vận động: Các nghiên cứu chỉ ra vận động có lợi cho sự tập trung và khả năng tư duy. Trẻ nên dành thời gian tập thể dục trước khi vào lớp học online, hoặc vận động giữa giờ. Một số trẻ tập trung tốt hơn khi học đứng. Cha mẹ có thể cân nhắc đặt máy tính ở vị trí cao để trẻ có thể vừa đứng vừa học; Hạn chế những thứ gây mất tập trung; Thay đổi lịch học; Lên danh sách những nhiệm vụ cần làm; Nghỉ ngơi và dành lời khen.
Chính các thầy cô khi lên bài giảng trực tuyến cũng cần phải có sự thay đổi linh hoạt, không thể coi là giải pháp tình thế, mà phải sinh động trong bài giảng, cho các con thời gian tương tác, không nên cố gắng dạy cho đủ giờ đủ tiết, có như vậy, việc học trực tuyến mới không nhàm chán, và hiệu quả sẽ tăng lên.
Phan Thủy
- Chính thức cho phép dạy học trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp
- Tuyển sinh ĐH, CĐ: Độc lập xác định chỉ tiêu, công tác hậu kiểm phải chặt chẽ hơn nữa
- Quốc hội phê chuẩn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Sinh viên Việt Nam xuất sắc giành Huy chương vàng Kỹ năng nghề Cơ điện tử online châu Á- Thái Bình Dương
- Khuyến khích các nhà trường sắp xếp thời gian 1 tiết/1 tuần cho học sinh đọc sách
- Nova College giới thiệu chương trình đào tạo hấp dẫn tới nhiều trường THPT