Lạt mềm buộc chặt để thêm yêu nghề
Câu chuyện bát mỳ tôm
Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi vào một buổi sáng mùa đông cuối năm 2020, ông Vương Văn Minh nhớ như in trường hợp mâu thuẫn đã dành cả hàng tháng để hòa giải. Từ năm 2017, địa phương có quy hoạch xây dựng chợ Bồ Đề để tạo điều kiện cho bà con tiểu thương được kinh doanh buôn bán. Vợ chồng ông H và bà M có mua được một gian để bán hàng ăn uống. Cả hai đều đã hơn 50 tuổi, có hai con một trai một gái đều đang học đại học. Một hôm, ông H có mời một đoàn khách là bạn bè từ thời học cấp ba tới quán ăn uống. Cuối bữa, cả đoàn hơn chục người đồng loạt muốn ăn mỳ tôm nên nhờ ông bà chủ đi nấu. Đến lúc bê ra bàn ăn, ông H liền lấy lọ tương ớt cho vào các bát mỳ tôm. Bà M thấy vậy liền nói rằng mỳ tôm thì nên ăn với ớt tươi, chồng đã tỏ vẻ không đồng ý và lườm nguýt vợ. Ăn xong, ông H cùng cả đoàn rủ nhau đi hát karaoke, bỏ mặc cho vợ là bà M một “bãi chiến trường” biết bao cơ man là bát đũa, cốc chén… Đỉnh điểm là chuyện lúc tới phòng hát, bà M bắt gặp cảnh ông H đang ngồi bá vai bá cổ một người bạn khác giới cùng lớp năm xưa với vẻ rất thân thiết. Không kìm lại được cảm xúc, bà M đã lao vào làm toáng lên. Ông H thấy vậy liền lớn tiếng hét vợ đi về và cho rằng vợ ghen lung tung. Về nhà, bà M đã chủ động làm đơn ly hôn với chồng.
Sau khi nhận được thông tin từ chính bà M cùng bà con trong xóm, ông Minh đã họp tổ hòa giải. Các thành viên được phân công chia làm hai tổ đi gặp riêng từng người để làm công tác tư tưởng, nắm bắt tâm tư của vợ chồng ông H. Những lần đầu, bà M thì rất có thiện chí và muốn tổ hòa giải vào cuộc giải quyết xem ai đúng ai sai trong câu chuyện này. Ngược lại, chồng bà thì một mực cho rằng mình không sai và tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí còn lớn tiếng đuổi cả thành viên tổ hòa giải ra ngoài ngõ mà không tiếp chuyện. Lúc này, ông Minh đề xuất áp dụng phương án hai là mời các thành viên cốt cán trong gia đình, dòng tộc của ông H cùng vào cuộc khuyên giải. Đúng như dự định, người anh cả của ông H lúc ấy dù đang ốm nặng nhưng vẫn sang trực tiếp nhà vợ chồng em trai để nói chuyện, khuyên can. Lúc này, tổ hòa giải phân tích, việc ly hôn với người lớn là chuyện bình thường nhưng thiệt thòi nhất lại chính là con cái. Hơn nữa, hai con đều đang học đại học, tức đã có đầy đủ nhận thức và trưởng thành mà bố mẹ lại như vậy thì làm sao còn dám nhìn mặt bạn bè.
Bà M nói rằng, mâu thuẫn của hai vợ chồng không chỉ xuất phát từ bát mỳ tôm mà là trước đó, cả hai còn phải đi vay tiền các nơi để mua được quán bán hàng. Việc buôn bán không được thuận lợi, tiền nợ còn chưa trả được mà chồng thì lại hay rượu chè, hát hò không quan tâm, giúp đỡ vợ. Nghe đến đây, tổ hòa giải cùng người anh chồng cũng đồng quan điểm. Từ lần ấy, thái độ của ông H đã dần thay đổi và cuối cùng bà M đã chấp nhận rút đơn ly hôn, cả hai quyết định bỏ qua mâu thuẫn để tiếp tục bảo ban nhau làm ăn, sống hạnh phúc cho đến nay. “Lúc hay tin hai vợ chồng ông H quay về với nhau, tổ hòa giải chúng tôi vui mừng lắm vì cũng bõ công cả tháng đi vận động, tuyên truyền. Ông H còn chủ động mời chúng tôi tới nhà ăn cơm liên hoan mừng vợ chồng đoàn tụ trở lại”, ông Minh nhớ lại.
![]() |
Hòa giải viên Vương Văn Minh, xóm 4 thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang. |
Cập nhật kiến thức pháp luật
Sau rất nhiều vụ mâu thuẫn trong dân đã phát hiện và hòa giải, hòa giải viên Vương Văn Minh quan điểm, khi nắm thông tin về vụ việc, tổ hòa giải cần tập hợp các thành viên có uy tín, phù hợp với từng đối tượng đương sự có tranh chấp, mâu thuẫn để vào cuộc. Nếu là người già thì cử thành viên cao tuổi đi hòa giải, nếu là cán bộ Đảng viên thì phân công thành viên của mặt trận, cựu chiến binh tham gia. Còn những vụ việc mâu thuẫn vợ chồng, thậm chí đánh chửi nhau thì thường cử tổ phụ nữ đi nắm bắt trước rồi cả tổ sẽ tới hòa giải sau. Vốn là một cán bộ quân đội về hưu mang quân hàm Thượng tá, ông Minh tâm niệm, dù ở bất cứ cương vị công tác nào hay nhiệm vụ gì mà nhân dân giao phó thì phải có sự tận tâm, kiên trì.
Trong nghiệp vụ hòa giải cũng vậy, phải biết kết hợp cương nhu và dựa trên cơ sở căn cứ pháp luật. Cũng theo ông Minh, hòa giải viên cần phải thường xuyên cập nhật các kiến thức pháp luật cơ bản để có thể sử dụng khi cần thiết. Cập nhật qua tài liệu, sách báo, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở do UBND huyện, Phòng Tư pháp huyện Quốc Oai tổ chức. “Ở thôn quê chúng tôi hòa giải chủ yếu dựa trên cơ sở tình cảm, tình làng nghĩa xóm. Đôi khi có những vụ việc liên quan đến đất đai thì phải sử dụng cả kiến thức pháp luật để giải thích cho bà con hiểu, tự giác chấp hành. Với phương châm “lạt mềm buộc chặt”, chúng tôi cứ lựa từng vụ việc để có phương pháp hòa giải phù hợp với từng đối tượng.
Bởi vậy, mỗi khi hòa giải thành vụ mâu thuẫn nào đó ví như vụ bát mỳ tôm kể trên, họ còn mời mình đến nhà liên hoan. Dù mình từ chối khéo nhưng trong lòng cảm thấy mừng cho họ vô cùng và thêm yêu công việc hòa giải mà mình đang làm”, hòa giải viên Vương Văn Minh tâm sự.
Đình Tuệ
- Quý I - 2021, Bộ Tư pháp đã thi hành xong 178.437 án dân sự
- CSDL quốc gia về Bảo hiểm gồm 9 nhóm thông tin
- Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy
- Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
- Hà Nội đẩy mạnh thực hiện liên thông thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực
- Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC