Ngành giáo dục sẵn sàng các kho học liệu số để thích ứng với giải pháp học tập trực tuyến
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, trong thời gian học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên tạm thời nghỉ học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tiếp tục tăng cường các hình thức dạy học qua internet, truyền hình.
Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT, dạy học trực tuyến, hay tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá là chủ trương của Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT hiện có kho dữ liệu gồm 5.000 bài giảng điện tử E-learning đạt giải trong các cuộc thi Quốc gia thiết kế bài giảng E-learning do Bộ GD&ĐT tổ chức. Kho dữ liệu này có bài giảng của đầy đủ các cấp học: Mầm non, tiểu học, THCS, THPT với nội phong phú của các môn học trải dài các lớp học. Đây là nguồn học liệu phong phú và chất lượng để các nhà trường lựa chọn và hướng dẫn học sinh học tham khảo, cùng hệ thống bài giảng điện tử mà giáo viên nhà trường chủ động xây dựng để cung cấp cho người học trong dịp các em không thể tới trường vì Covid-19.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã chỉ đạo các trường sư phạm hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện dạy học từ xa trong thời điểm học sinh nghỉ phòng chống dịch Covid-19.
![]() |
Ngành giáo dục chuyển mình thích ứng với các hình thức học tập trực tuyến trong thời điểm học sinh vẫn đang nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh. Ảnh: TTXVN |
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã ngay lập tức mở kho học liệu trực tuyến. GS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Hiện nay, đa phần các giáo viên dạy học trực tuyến lựa chọn các công cụ như mạng xã hội Facebook, Zalo, qua email hoặc các hệ thống như: Zoom, Google Classroom, Microsoft Team… để dạy học. Tuy nhiên, với các nền tảng này, các thầy cô đang tìm cách để làm quen và dạy học trực tuyến với không ít những khó khăn. Các thầy cô mất nhiều thời gian soạn bài giảng, đọc, chấm bài, báo cáo với nhà trường, khó để quản lý chất lượng học sinh...
Để khắc phục những nhược điểm của các công cụ trên, trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng, cung cấp nền tảng dạy học trực tuyến Online Math có đầy đủ công cụ như: quản lý lớp học, quản lý giáo viên, quản lý học sinh, cho phép giáo viên và nhà trường có thể dạy học trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến trình học tập của các lớp và từng học sinh cụ thể.
Ngoài ra, PGS.TS Phạm Thọ Hoàn, GĐ Trung tâm Khoa học tính toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Kho học liệu về giáo dục số do Trung tâm Khoa học tính toán - trường ĐH Sư phạm Hà Nội bắt đầu xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2011. Đến nay, kho học liệu bao phủ nội dung môn Toán, môn Tiếng Việt – Ngữ văn ở bậc phổ thông, đang tiếp tục mở rộng ra các môn khác.
Thực tế là việc học trực tuyến cũng đứng trước những khó khăn nhất định. Nếu như ở lớp học truyền thống, thầy – trò có thể tương tác trực tiếp với nhau. Giáo viên có thể thay đổi động tác của mình hoặc có thể dùng các giáo cụ khác. Nhưng với dạy học trực tuyến, đối tượng tương tác đã được thay đổi nên giáo viên sẽ gặp khó khăn trong những lần đầu thực hiện. Vì giáo viên không thể tương tác trực tiếp với học sinh như lớp học truyền thống nên bắt buộc giáo viên phải thay đổi trạng thái. Chưa kể, ở lớp học trực tuyến rất khó kiểm sát comment, đã có trường hợp, lớp học trực tuyến bị xen vào các comment nội dung không phù hợp. Thầy cô giáo cũng cần có thời gian để quen với các kỹ năng tổ chức lớp học trực tuyến, lại cũng cần thời gian cho việc thiết kế bài giảng.
Trong khi đó, trong các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, không có nội dung công nhận dạy học trực tuyến thay thế dạy trực tiếp. Như vậy, có dạy trực tuyến, dạy từ xa thì sau này vẫn phải dạy bù lại từ đầu. Trong khi để tổ chức dạy học trực tuyến, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho công sức thiết kế chuẩn bị bài giảng rất lớn, nhưng kinh phí không được thu thêm.
Tuy nhiên, khắc phục những khó khăn đó, dạy học trực tuyến thời điểm này thực sự là “cứu cánh” cho học sinh cuối cấp khi mà toàn bộ trường học và cả các lớp dạy thêm đều đóng cửa. Kho học liệu số là cần thiết để giáo viên có nguồn thiết kế bài giảng, tránh kiểu mỗi trường một cách dạy.
Việc học vượt ra ngoài không gian trường, lớp “Covid-19 chính là bối cảnh thực tế minh chứng rằng việc học tập vượt ra ngoài không gian của trường lớp. Thế hệ Z các con đang sở hữu hệ thống hỗ trợ học trực tuyến bài bản: từ sự đồng hành mỗi ngày của thầy cô qua Google Hangouts, chương trình học trực tuyến của các đài truyền hình hay lớp học không khoảng cách của Hocmai.vn... Nếu có một kế hoạch học tập chủ động, cô giáo tin rằng, các con sẽ duy trì được thói quen học tập, làm chủ kiến thức và không uể oải khi trở lại trường học. Các con có thể trau dồi kĩ năng thông qua việc làm bếp, dọn dẹp nhà cửa, trồng cây. Hãy đọc cuốn sách các con yêu mến và làm những điều mà các con ấp ủ trong lòng. Thật hạnh phúc, nếu cha mẹ có thể cùng con làm việc đó” - Thạc sĩ Đỗ Khánh Phượng – giáo viên Ngữ Văn, trường phổ thông Hermann Gmeiner Hà Nội. |
Phan Thủy
- Khuyến khích nhà trường dành 1 tiết/1 tuần cho học sinh đọc sách
- Học sinh Hà Nội được nghỉ 3- 4 ngày dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5
- Vĩnh Phúc: Tập huấn kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại cho trẻ em, học sinh
- Hà Nội: Hướng dẫn đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022
- Chỉ tiêu lớp 10 khối trường ngoài công lập của Hà Nội năm 2021-2022
- Hà Nội triển khai chương trình ''An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ'' tại trường học