Nhân rộng mô hình lấy trẻ làm trung tâm của giáo dục mầm non
Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ mầm non
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch 56/KH-BGDĐT chỉ đạo 63 tỉnh, TP triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016 - 2020. Chuyên đề nhằm bảo đảm tất cả trẻ đều được tạo cơ hội học tập qua chơi và bằng nhiều cách khác nhau phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ.
Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm (LTLTT) không chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện tốt mà cả ở những nơi vật chất còn thiếu thốn. Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở GDMN. Đặc biệt, trẻ em được quan tâm đúng mức trong việc tạo cơ hội “học bằng chơi, chơi mà học”, để phát triển toàn diện theo quan điểm giáo dục LTLTT...
Thứ trưởng nhấn mạnh, trẻ phải được quan tâm, nuôi dạy khỏe mạnh, phát triển toàn diện, không béo phì, được sống trong môi trường an toàn không bạo lực, không bị mua bán, bắt cóc, không bị tai nạn thương tích; đặc biệt, trẻ phải được sống trong môi trường không bị ô nhiễm về nước sạch, vệ sinh...
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh thông tin thêm, chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” nhằm tạo ra 3 chuyển biến căn bản đối với GDMN: Xây dựng môi trường giáo dục học mà chơi; Tạo sự chuyển biến trong năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý trong đổi mới giáo dục và chăm sóc trẻ; Tạo sự chuyển biến trong sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tổ chức hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ em mầm non.
Cô Vũ Ngọc Dự, Hiệu trưởng trường mầm non chất lượng cao Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, đánh giá, chuyên đề đã thay đổi hẳn nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường về việc xây dựng một môi trường học an toàn, thân thiện, phù hợp với hứng thú, nhu cầu và khả năng của các bé.
![]() |
Chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, góp phần tạo ra môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ mầm non đang có những kết quả tích cực. Ảnh: T.F |
Các tiêu chí đều đạt mức độ cao, nhân rộng các mô hình điểm
Theo báo cáo từ các Sở GD&ĐT, 62,1% số cơ sở GDMN đạt mức độ 4 ở nhóm tiêu chí “Xây dựng môi trường vật chất, môi trường xã hội trong và ngoài lớp học”. Đến nay, gần 100% các trường MN đã xây dựng, công khai và thực hiện Bộ quy tắc giao tiếp, ứng xử trong cơ sở GDMN. Giáo viên mầm non luôn ý thức và giữ vững là tấm gương cho trẻ trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ.
63,1% số cơ sở GDMN đạt mức độ 4 ở nhóm tiêu chí về “Xây dựng kế hoạch giáo dục”. 62,5% số cơ sở GDMN đạt mức độ 4 ở nhóm tiêu chí về “Đổi mới tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ”.
Trong đó, tiêu chí đạt kết quả cao nhất là "Phối hợp các phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học” (67,7% số cơ sở GDMN được đánh giá đạt mức độ 4). Điều này cho thấy, giáo viên đã quan tâm sử dụng phương pháp thực hành, trải nghiệm cho trẻ mẫu giáo, phù hợp lứa tuổi, thời điểm, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”.
Ở nhóm tiêu chí “Đánh giá sự phát triển của trẻ”, 60,5% số cơ sở GDMN đạt mức độ 4. Trong đó, tiêu chí đạt kết quả cao nhất là tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về cách thức và tốc độ học tập và phát triển riêng, chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.
Có tới 68,6% số cơ sở GDMN được đánh giá đạt mức độ 4 ở nhóm tiêu chí “Công tác tuyên truyền, phối hợp, tạo sự thống nhất giữa cơ sở GDMN, gia đình và xã hội cùng quan tâm xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Trong đó, 70,4% số cơ sở GDMN được đánh giá đạt mức độ 4 ở tiêu chí có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa giáo viên, cơ sở GDMN, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.
Đến nay, 100% các lớp, các trường có góc tuyên truyền về mục tiêu, nội dung chuyên đề. 98% cha mẹ trẻ được tuyên truyền về nội dung xây dựng trường mầm non LTLTT. Các cơ sở GDMN tích cực tổ chức ngày hội, ngày lễ, hội thi, hoạt động trải nghiệm cho trẻ có sự tham gia của cha mẹ trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục liên quan đến công tác quản lý chỉ đạo; công tác kiểm tra, hỗ trợ của Bộ GD&ĐT, của các địa phương; thực hiện chuyên đề ở các điểm trường lẻ và cơ sở GDMN có điều kiện khó khăn; công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ, mức độ hiểu và vận dụng các tiêu chí… Những hạn chế này dẫn đến kết quả thực hiện một số nội dung của tiêu chí chuyên đề chưa đạt như mong đợi.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh, không có một mô hình duy nhất phù hợp với tất cả các trường mầm non trên toàn quốc, bởi mỗi vùng miền có những đặc thù riêng. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương phải xây dựng được các mô hình điểm. Toàn quốc hiện có trên 3.000 trường mầm non điển hình cho các vùng miền để thực hiện chuyên đề này. Bộ GD&ĐT sẽ có đánh giá để nhân rộng trong thời gian tiếp theo.
T.Fan
- Hà Nội: Lên danh sách giáo viên sẽ dạy lớp 2 chương trình Giáo dục phổ thông mới
- Dạy Luật An ninh mạng trong trường phổ thông: Kịp thời và phù hợp
- Rà soát, thu thập thông tin trường học cần hỗ trợ từ Chương trình “Điều ước cho em”
- Những đề thi Ngữ văn gây ồn ào: Đừng buông lỏng quản lý để tiếng Việt bị phai mờ sự trong sáng
- Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia
- Hợp tác nghiên cứu công nghệ cao và đào tạo an ninh mạng giữa trường ĐH và doanh nghiệp
- Sim Số Đảo 3 vinaphone
- Viettimes tin tức kinh tế mới nhất