Phó Giám đốc CDC Hà Nội: Phim “Lửa ấm” truyền thông sai về xử lý phơi nhiễm HIV
Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội chiều 24-11, Tiến sĩ Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, một số nội dung liên quan đến xử lý người nhiễm HIV/AIDS trong bộ phim Lửa ấm đang chiếu trên VTV1 đã sai chuyên môn.
Cụ thể, trong phân cảnh người lính phòng cháy chữa cháy khi bế người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện và được bác sỹ thông báo “anh bị phơi nhiễm HIV rồi”. Đây là một chi tiết sai vì không phải cứ tiếp xúc với máu của người nhiễm HIV là bị phơi nhiễm.
Bà Lan lo ngại, với các tuyên truyền sai như thế này, sẽ dẫn đến nguy cơ chẳng may có ai đó bị tai nạn giao thông thì còn ai dám cấp cứu người bị tai nạn...
![]() |
TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nói về một số tình tiết xử lý phơi nhiễm HIV sai trong phim Lửa ấm |
Bên cạnh đó, bà Lan cho hay, cách xử lý phơi nhiễm trong phim đã sai nghiêm trọng. Sau khi chìa ra kết quả của bệnh nhân bị dương tính với HIV, thì các bác sỹ có trao đổi với nhau là “chị đã bị phơi nhiễm HIV rồi và chị phải cách ly 2 ngày để phòng lây nhiễm ra cộng đồng”.
Bình luận về chi tiết này trong phim, bà Lan cho hay, các bác sỹ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS của chúng tôi đều “dậy sóng” sau câu nói này. “Có lẽ do truyền thông dịch Covid-19 mạnh quá và Covid-19 phải cách ly 14 ngày còn HIV nhẹ hơn nên mới có yêu cầu cách ly 2 ngày. Thực sự chúng tôi rất buồn về việc này", bà Lan nói.
Phân cảnh tiếp theo nữa, theo bà Lan là cảnh người nhà cô bác sĩ trong phim rất hoảng hốt, tưởng như "phơi nhiễm HIV là chết đến nơi" và cô bác sĩ này cũng nhắn tin cho con với những lời lẽ như là lời cuối. Theo bà Lan, việc việc xử lý phơi nhiễm đã được tuyên truyền rất nhiều ngay từ khi có dịch HIV, nhưng vẫn vẫn bị hiểu sai nghiêm trọng.
Bà Lan cũng cho hay, có nhiều trường hợp bị phơi nhiễm rất sâu như bác sĩ mổ bị xương của bệnh nhân nhiễm HIV cắt đứt tay, hay trường hợp hy hữu khi người nghiện nhiễm HIV sau khi bị lấy máu, biết sẽ phải đi cai nghiện tập trung đã giật xi-lanh máu bơm ngược lại vào bác sĩ, đây là ca nặng nhất, tất cả những ca phơi nhiễm thế nhưng đều không bị nhiễm HIV.
"Mới có phơi nhiễm đã hoảng hốt rồi cách ly 2 ngày... sẽ làm cho cộng đồng sợ HIV. Thực sự đó là sai về chuyên môn rất nghiêm trọng, mặc dù vấn đề đó rất phổ thông, vấn đề này không cần các chuyên gia. Nhưng sai như vậy lại chiếu trên VTV1 vào giờ vàng, rất nhiều người xem", bà Lan nhấn mạnh.
Đến nay, theo báo cáo của CDC Hà Nội, vấn đề kỳ thị người nhiễm HIV đã giảm nhiều, nhiều bệnh nhân tham gia điều trị, nhiều người đã công khai tình trạng nhiễm, đóng góp cho công tác phòng chống AIDS… cho những bệnh nhân khác.
H.L
- Năm 2020, số lượng các VBQPPL được ban hành giảm so với trung bình các năm trước
- Thiếu quy định để minh bạch hoá hoạt động kiểm tra doanh nghiệp
- VKSND các cấp đã kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố
- Trong cả nhiệm kỳ, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội
- UBTVQH phê chuẩn quyết định thành lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao
- Xây dựng Đề án phát triển ngành kinh tế vận tải Thủ đô gắn với ứng dụng khoa học công nghệ
- Đặt mua sim 777 tại simthanhcong.net
- sim năm sinh 2020
- Viettimes tin tức kinh tế mới nhất