Sáng 26-2 ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh tại Tây Ninh
Tính đến 6g ngày 26-2 Việt Nam có tổng cộng 1520 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay: 827 ca. Tính từ 18g ngày 25-2 đến 6g ngày 26-2 ghi nhận 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Cụ thể, BN2421 là ca được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Tây Ninh. Bệnh nhân là nữ, 28 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại quận 4, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ngày 23-2, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 25-2 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 76.495, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 580
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.038
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 63.877.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 62
+ Lần 2: 57
+ Lần 3: 77
- Số ca tử vong: 35 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 1.804 ca.
![]() |
Ảnh minh họa |
Về tình hình dịch trên thế giới, tính đến 17g ngày 25-2, thế giới ghi nhận 113.144.793 ca và 2.509.899 trường hợp tử vong do Covid-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là 88.757.670 và còn 21.877.224 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 91.857 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 28.974.623 trường hợp mắc và 518.363 trường hợp tử vong. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số trường hợp mắc với 11.046.914 ca nhiễm (156.742 trường hợp tử vong). Tiếp theo là Brazil với 250.079 trường hợp tử vong trong số 10.326.008 ca nhiễm.
Tại châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển thông báo sẽ nới lỏng một số hạn chế vốn được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch Covid-19. Trong khi đó, Bulgaria cho biết sẽ mở cửa trở lại các nhà hàng từ tháng 3 và dỡ bỏ lệnh cấm các hộp đêm từ tháng 4. Về phần mình, Italy và Hungary đều bác bỏ việc nới lỏng các biện pháp khống chế dịch, Pháp cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế mới tại các địa phương do tình hình dịch Covid-19 đang có xu hướng xấu đi.
Ngày 24-2, Viện Dược phẩm và trang thiết bị y tế liên bang Đức, cơ quan quản lý hoạt động mua bán và sử dụng dược phẩm của Đức, đã phê chuẩn 3 bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sử dụng tại nhà. Đây là một phần trong chiến lược của Bộ trưởng Y tế Jens Spahn nhằm đẩy nhanh công tác xét nghiệm đại trà với mục tiêu đưa nền kinh tế thoát khỏi lệnh phong tỏa đang được áp đặt kể từ giữa tháng 12-2020.
Không chỉ Đức, một số nước châu Âu khác cũng tăng cường sử dụng các bộ xét nghiệm tại nhà. Tại Áo, các bộ tự xét nghiệm còn được đưa vào sử dụng trong trường học và từ tuần tới, các hiệu thuốc sẽ cung cấp miễn phí cho người dân. Tương tự, trong tháng này, các tình nguyện viên và cảnh sát Anh đã bắt đầu tới từng nhà dân để cấp phát các bộ xét nghiệm kiểu này.
Về tiến trình triển khai vắc-xin phòng Covid-19: Ngày 25-2, Hàn Quốc bắt đầu phân phối vắc-xin AstraZeneca trên toàn quốc. Sau khi được phân phối đến trung tâm y tế, vắc-xin AstraZeneca sẽ được đưa vào kho bảo quản chuyên dụng, đảm bảo duy trì nhiệt độ thích hợp từ 2-8 độ C. Công tác tiêm chủng sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 26/2 tại các trung tâm y tế, viện dưỡng lão, trung tâm phục hồi chức năng thần kinh. Các bệnh viện sẽ tự tiêm chủng, người cao tuổi tại viện dưỡng lão sẽ do bác sĩ ủy thác hoặc nhân viên trung tâm y tế đến tận nơi để tiêm phòng. Đội ngũ nhân sự tại các cơ quan y tế và nhân sự phòng dịch tuyến đầu có nguy cơ nhiễm bệnh cao sẽ bắt đầu tiêm chủng từ tháng 3.
Vân Hà
- Chiều 14-4 tiếp tục ghi nhận 16 người nhiễm Covid-19
- Tăng cường cảnh giác với bệnh viêm màng não
- Việt Nam trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ Campuchia
- Sáng 14-4 thêm 3 người nhập cảnh nhiễm Covid-19
- Chiều 13-4 tiếp tục ghi nhận 7 người nhập cảnh nhiễm Covid-19
- Quyết định táo bạo đã kịp thời cứu sống thiếu nữ 17 tuổi bị đột quỵ