Sửa luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng
Không có quy định điều chỉnh các hoạt động, hành vi mới xuất hiện
Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo.
Theo cơ quan soạn thảo, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD hiện hành sau gần 10 năm thực thi vừa qua (2011-2020) đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. Một số quy định pháp luật chưa điều chỉnh kịp hoặc không có quy định điều chỉnh các hoạt động, hành vi mới xuất hiện.
Đáng quan tâm, cùng với sự xuất hiện của internet, mô hình kinh doanh theo dạng nền tảng công nghệ đã xuất hiện như “nền kinh tế nền tảng” (the platform economy) hay “nền kinh tế chia sẻ” (the “sharing economy”), nền kinh tế với các giao dịch ngang hàng (the peer to peer economy). Các nền tảng này và các bên giao dịch với chúng, đang tận dụng việc áp dụng rộng rãi công nghệ điện thoại thông minh và internet và định hình lại đáng kể cách thức cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Tại Việt Nam, thị trường tiêu dùng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, mở rộng của một số thương hiệu như Grab, Airbnb, Gojek... Vì vậy, sửa luật để bảo vệ quyền lợi NTD trong nền kinh tế nền tảng là một vấn đề cấp thiết.
Thực tế cho thấy, do đa số các người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là cá nhân hoặc DN nhỏ và vừa, vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, nếu không có sự gắn kết trách nhiệm ràng buộc của chủ sàn thì quá trình liên hệ hoặc giải quyết vụ việc rất khó khăn, nhiều trường hợp không thực hiện được do thông tin liên hệ của người bán không tồn tại hoặc không chính xác.
Trong thời gian gần đây, vấn đề gắn kết tiêu dùng với việc thực hiện các trách nhiệm đối với xã hội, môi trường, quyền con người... đã trở thành phong trào chung trên toàn thế giới. Do vậy, tại Việt Nam, để có cơ sở thực hiện xu hướng trên, cần có các quy định nhằm tăng cường vai trò, sự tham gia của các Bộ, ban, ngành, tổ chức khác trong việc phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.
Để khắc phục các bất cập trên, Bộ Công thương đề xuất bổ sung các quy định về thực hiện và giám sát việc thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật thông qua việc quy định rõ việc thu hồi sản phẩm khuyết tật sẽ bao gồm cả tự nguyện và bắt buộc. Xác định rõ về trách nhiệm đối với việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan trong các khâu như sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về cơ chế giám sát việc thực hiện và có cơ chế khuyến khích được các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc thu hồi.
![]() |
Ảnh minh họa |
Bổ sung thêm các quy định về nghĩa vụ của DN
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về thương lượng, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD trong quá trình thương lượng; bổ sung quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD là tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng phương thức hòa giải. Đồng thời, cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ cơ chế giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi NTD tại cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về một số giao dịch đặc thù, về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD của DN, chủ thể có liên quan khi thực hiện giao dịch đặc thù. Bổ sung các quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương. Qua đó, đảm bảo hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, giảm thiểu và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi NTD, đặc biệt đối với các giao dịch có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, ví dụ như thương mại điện tử, cho vay tiêu dùng, các mô hình chia sẻ, kết nối dịch vụ ngang hàng...
Để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát hợp đồng giao kết với NTD và điều kiện giao dịch chung, Dự luật đề xuất sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự; bổ sung điều khoản chung để xác định các điều khoản không có hiệu lực, sau đó làm rõ bởi danh mục cụ thể; bổ sung thêm các quy định về nghĩa vụ của DN trong các giao kết hợp đồng đặc thù với NTD, đặc biệt trong bối cảnh các giao dịch tiêu dùng dựa trên nền tảng thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ…
Theo Bộ Công thương, số vụ việc khiếu nại của NTD hàng năm được giải quyết chỉ từ 1.000-1.500 vụ việc là quá nhỏ so với thực tế. Nguyên nhân là do cộng đồng DN chưa quan tâm đầy đủ tới công tác bảo vệ NTD. Điều này dẫn tới nhiều khiếu nại và thông tin từ khách hàng phản ánh tới DN không được giải quyết thỏa đáng. Bên cạnh đó, NTD vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm; một số địa phương chưa xây dựng một kênh tiếp nhận thông tin, khiếu nại, yêu cầu giải quyết tranh chấp của NTD theo đúng quy định. Đáng nói, các quy định về giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hoàn thiện. Dẫn đến khi phát sinh tranh chấp, một số DN không có thiện chí trong việc phối hợp, hỗ trợ NTD, ví dụ như không cung cấp thông tin, không công khai quy trình tiếp nhận và giải quyết khiếu nại... Trong các phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và cá nhân, tổ chức kinh doanh được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD thì hòa giải là phương thức được sử dụng phổ biến nhất, chiếm 80% các vụ việc khiếu nại của NTD. Tuy nhiên, kết quả hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành là không cao. |
Phương Thảo
- "Tài chính tiêu dùng - Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển"
- Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nội địa
- Khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam
- Năm 2021, Hà Nội đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ
- Trước tháng 6, Hà Nội có 60% cửa hàng mới mở được cấp biển nhận diện
- Hà Nội: Phấn đấu 100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy