TAND tỉnh Hải Dương chậm trễ giao bản án cho đương sự
UBND xã Đoàn Kết bán đất trái thẩm quyền
Ngày 28-10, tại trụ sở TAND tỉnh Hải Dương diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về “Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Trần Huy Đệ và bị đơn là ông Bùi Văn Hán, cùng trú tại xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương do ông Lại Anh Vân làm Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa. Vụ án này xuất phát từ việc UBND xã Đoàn Kết bán đất trái thẩm quyền cho ông Đệ.
Theo trình bày của ông Bùi Văn Hán, năm 1982, sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ trở về, ông Hán được UBND xã Đoàn Kết cấp cho 720m2 đất ao, ông Hán đã đóng thế hàng năm. Sau đó, cán bộ xã và cán bộ thôn tiến hành đo đạc và giao đất cho ông Hán. Thời điểm đó, nhiều người được UBND xã cấp đất như ông Hán nhưng đều bằng miệng, không có quyết định giao đất.
Năm 1985, ông Hán thuê người lấp ao và xây 5 gian nhà cấp 4 trên thửa đất này. Năm 1990, ông Hán tiếp tục thuê người đổ cát san lấp ao phần giáp ranh với nhà ông Đệ ở hiện nay rồi xây nhà ống, đổ mái bê tông giáp đất nhà ông Đệ. Năm 2000, ông Hán xây tường bao cao khoảng 1,5m để giữ toàn bộ thửa đất trong đó có toàn bộ diện tích đất mà ông Đệ đang cho là gia đình ông Hán lấn chiếm. Năm 2007, ông Hán xây tường cao thêm 1m.
Năm 2014, vợ chồng ông Hán tiếp tục xây dựng nhà vệ sinh và một gian bếp trên phần đất này và sử dụng liên tục cho đến nay. “Trong suốt quá trình san lấp ao, xây dựng tường bao và các công trình kiên cố từ năm 1985 đến năm 2014, gia đình tôi không hề gặp sự ngăn cản của gia đình ông Đệ hay bị UBND xã Đoàn Kết lập biên bản. Mãi sau này tôi mới biết UBND xã đã lấy đất của gia đình tôi để bán trái thẩm quyền cho ông Đệ dẫn đến việc tranh chấp kéo dài giữa hai gia đình”, ông Hán trình bày.
Còn ông Trần Huy Đệ trình bày, gia đình ông có 110m2 đất giáp với nhà ông Hán và ao tập thể, được cấp GCNQSDĐ năm 1996. Năm 1994, ông Đệ có mua của UBND xã Đoàn Kết 200m2 đất ao, giáp thửa đất gia đình ông đang ở với giá 300.000 đồng. Việc mua bán thể hiện bằng phiếu thu của UBND xã Đoàn Kết. Vì là ao nên khi mua không xác định rõ kích thước cụ thể và cũng không có biên bản bàn giao trên thực địa.
Năm 1995, vợ chồng ông Đệ thuê người kè ao xung quanh và phun cát san lấp nhưng vẫn còn mặt nước. Quá trình sử dụng đất, gia đình ông Hán đã tự ý lấn chiếm phần ao gia đình ông đã mua và đổ cát chồng lấn lên. Năm 2005, gia đình ông Đệ làm hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ nhưng chưa được UBND huyện Thanh Miện cấp do ông Hán tranh chấp.
Tại biên bản xác minh của TAND tỉnh Hải Dương ngày 19-10-2020 thể hiện, lãnh đạo UBND xã Đoàn Kết thừa nhận: Năm 1994, UBND xã Đoàn Kết cấp bán đất ao tập thể cho hộ gia đình ông Đệ và một số hộ gia đình khác là trái thẩm quyền; về việc nộp ngân sách Nhà nước và sử dụng số tiền bán đất cho ông Đệ, hiện không có hồ sơ tài liệu lưu giữ nhưng UBND xã khẳng định có thu số tiền mà ông Đệ mua đất là 300.000 đồng.
Còn UBND huyện Thanh Miện cũng khẳng định, năm 1994, UBND xã Đoàn Kết bán đất cho gia đình ông Đệ là trái thẩm quyền. Việc UBND xã bán đất trái thẩm quyền cũng như tình hình san lấp ao không được báo cáo lên UBND huyện. Năm 2005, nếu không có việc tranh chấp giữa gia đình ông Đệ và ông Hán thì UBND huyện Thanh Miện cũng sẽ hợp lý hoá cho việc UBND xã Đoàn Kết bán đất trái thẩm quyền để cấp GCNQSDĐ cho ông Đệ.
![]() |
Phần đất gia đình ông Hán đã sử dụng ổn định gần 40 năm qua bị HĐXX TAND tỉnh Hải Dương tuyên buộc phải trả cho gia đình ông Đệ. |
TAND tỉnh Hải Dương vi phạm tố tụng
Không chỉ UBND huyện Thanh Miện và UBND xã Đoàn Kết thừa nhận mà tại phiên toà xét xử sơ thẩm ngày 28-10, HĐXX TAND tỉnh Hải Dương cũng đánh giá, theo Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì UBND cấp xã không có quyền bán đất; năm 1994, UBND xã Đoàn Kết bán 200m2 đất ao cho ông Đệ, có thu 300.000 đồng là bán đất, giao đất trái thẩm quyền.
Mặc dù bị đơn và đại diện VKSND tỉnh Hải Dương đều đề nghị HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Hải Dương không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Song, HĐXX vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đệ, buộc gia đình ông Hán phải trả cho gia đình ông Đệ phần diện tích đất mà gia đình ông Hán đã sử dụng ổn định trong gần 40 năm qua. Đáng chú ý, Bản án số 32/2020/DS-ST ngày 28-10-2020 thể hiện, HĐXX không đưa ra đánh giá về quan điểm đề xuất giải quyết vụ án của đại diện VKSND tỉnh Hải Dương.
Cho rằng HĐXX TAND tỉnh Hải Dương đã hợp thức hóa cho việc bán đất trái thẩm quyền của UBND xã Đoàn Kết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền vào lợi ích của gia đình ông Hán (chúng tôi sẽ phân tích trong bài sau), ngày 2-11, ông Hán đã nộp đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. Ngày 18-11, TAND tỉnh Hải Dương đã có thông báo về việc kháng cáo gửi các đương sự và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Khoản 2, Điều 269, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và VKS cùng cấp”. Quy định rõ ràng là vậy, song, TAND tỉnh Hải Dương không giao bản án cho ông Hán mặc cho đương sự này đã nhiều lần đến trụ sở để xin bản án.
Nhận thấy TAND tỉnh Hải Dương vi phạm tố tụng, ngày ông 11-11, ông Hán đã gửi đơn đề nghị lên Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị đốc thúc TAND tỉnh Hải Dương giao bản án cho đương sự theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn không giao bản án cho ông Hán. Chỉ đến khi PV Báo PL&XH phản ánh sự việc tới ông Mạc Văn Quang, Chánh án TAND tỉnh Hải Dương thì chiều ngày 24-11, TAND tỉnh Hải Dương mới mời ông Hán lên trụ sở để trả bản án.
Quốc Doanh
- Mở lại phiên toà xét xử ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm
- Lừa “chạy chức”, chiếm đoạt 17 tỷ đồng
- Lập “khống” phiếu kết quả quan trắc môi trường, thu lợi bất chính
- Đường dây đánh bạc giữa làng quê bị triệt phá
- Nam thanh niên đánh mất tương lai vì theo bạn... mua bán người
- Người phụ nữ về nước đầu thú tại khu cách ly sau gần 10 năm trốn truy nã