"Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới"
Con số ấn tượng về lượng giao dịch
Toạ đàm có sự tham gia của các chuyên gia: Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam; ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA); TS. Nguyễn Đức Hưởng, Chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank;
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; GS.TS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – Ngân hàng, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; bà Bùi Kim Thuỳ, Chuyên gia kinh tế, Trưởng Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, thành viên hội đồng cố vấn Harvard;
Cùng lãnh đạo các doanh nghiệp: Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC; ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn; ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Think Big và Lộc Sơn Hà; ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group.
![]() |
ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. |
Tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, chúng ta vừa trải qua một năm đầy biến động, chứng kiến Covid-19 tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam, làm suy giảm sức phát triển và yếu đi lực cầu, nửa đầu năm 2020, hoạt động thị trường phải đóng cửa để chống dịch, giao dịch thị trường đóng băng.
Năm 2020, dù Chính phủ đã có sự quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có ban hành Nghị định 25, sau này là Nghị định 146, tháo gỡ khó khăn cho condotel nhưng cũng chỉ được một phần.
Giai đoạn 6 tháng cuối năm, dù có hai đợt dịch bùng phát nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn thể hiện tiềm năng, các doanh nghiệp cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm mới, nguồn cung mới đạt 60.000 sản phẩm, tương đương 87,6% so với năm 2019, con số vô cùng ấn tượng trong bối cảnh Covid-19.
Lực cầu tuy giảm nhưng thu hút đầu tư ngoài ngành làm tăng thêm lực cầu đầu tư mới trên thị trường, cộng với đầu tư phát triển hạ tầng của nhà nước. Con số ấn tượng về lượng giao dịch, 74.500 sản phẩm đã được giao dịch thành công, tương đương 50% giao dịch thành công của năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ rất cao, tại TP. Hồ Chí Minh lên đến 80%, giá bất động sản tại nhiều địa phương tăng.
Bất động sản du lịch tuy bị ảnh hưởng nhưng tốc độ phát triển mạnh, hàng loạt dự án đô thị trên cả nước vẫn rầm rập triển khai, được nhiều nhà đầu tư quan tâm, ví du FLC Grand Quy Nhơn, Novaworld. Năm 2010, GDP Việt Nam tăng trưởng 2,91%, FDI đạt gần 30 tỷ USD, kiều hối về Việt Nam đạt trên 15 tỷ USD. Đây cũng là cơ hội thu hút đầu tư vào BĐS. Thị trường chứng khoán cũng vượt 1.100 điểm.
Kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu mua nhà và đầu tư sẽ tăng trở lại. Dự báo sức cầu hồi phục của thị trường sẽ tương đương 70% của năm 2019. Năm 2021 là năm đầu tiên các cấp chính quyền trong kỳ mới sau đại hội sẽ có các biện pháp thúc đẩy các dự án bất động sản để tạo nguồn cung cho địa phương, nguồn cung sẽ dồi dào và phong phú hơn.
Ông Đính dự báo, thị trường bất động sản năm 2021 khó có nguy cơ ảo hay bong bóng, ngược lại sẽ bền vững hơn năm 2020. Thị trường có cơ hội khai thác kinh doanh tốt và bền vững. Đầu tư bất động sản du lịch sẽ không chỉ dừng lại ở phía biển mà còn gần hơn với khu rừng núi.
Ông Đính cho rằng, giá bất động sản năm 2021 có thể tăng trên 10% so với năm 2020. Động thái tích cực từ cơ quan chính phủ trong năm 2021, có thể thấy có các động thái quyết liệt để cởi trói cho thị trường. Vốn FDI sẽ đổ mạnh vào Việt Nam. Quản lý doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ đều có những bài học được rút ra từ cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020 vì vậy sẽ hiệu quả hơn.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), lĩnh vực bất động sản giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có ảnh hưởng đến 35 ngành nghề khác. Thị trường bất động sản đã suy giảm 5 năm qua, đại dịch Covid-19 giúp thanh lọc lại cả toàn cầu chứ không chỉ riêng bất động sản, giúp cả thị trường tĩnh tâm, nhìn nhận, đánh giá lại để tìm hướng đi bền vững.
![]() |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) |
Ông Châu cho biết, những văn bản ban hành trước đây không theo kịp sự chuyển biến của thị trường và năm 2020 đã đánh dấu sự chuyển biến trong công tác pháp lý bất động sản; thị trường có sự lệch pha tại TP HCM phân khúc cao cấp chiếm tới 70%, trong khi phân khúc bình dân, vừa túi tiền lại ít. Đáng ra phân khúc bình dân, giá rẻ phải chiếm tỷ trọng lớn hơn vì nhu cầu thực lớn hơn.
Như lời ông Châu, có chuyên gia nhận định 2021 là năm của phân khúc cao cấp, điều này đúng nhưng chưa đủ. Vì lượng cung phân khúc cao cấp đang lớn nên năm 2021 lượng sản phẩm tung ra thị trường vẫn lớn. Sở dĩ nhiều chủ đầu tư tập trung phát triển phân khúc cao cấp vì phân khúc này giúp làm thương hiệu rất nhanh. Tuy nhiên, các chủ đầu tư cần tăng phân khúc bình dân để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Châu cho rằng, điểm nghẽn về thể chế đang là điểm nghẽn hàng đầu, và HOREA xem đó là vướng mắc cần tháo gỡ đầu tiên để minh bạch thị tường bất động sản. Môi trường minh bạch phải dựa trên thể chế pháp luật. Năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách một số luật và nghị định. Tháng 6-2020 một số luật như Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi kết hợp Luật nhà ở… đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn.
"Năm 2021 có điểm hội tụ là Luật đầu tư, Luật xây dựng sửa đổi… có hiệu lực. Đây là một trong những điều tạo thuận lợi cho thị trường. HOREA sẽ tiếp tục đóng góp để sửa đổi Nghị định 167, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đầu tư BT. Chúng tôi nhận định, đi đôi với việc kiểm soát hiệu quả Covid-19, có vắc xin, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng. Năm 2021, Bộ Xây dựng sửa đổi Luật xây dựng, thông qua nghị quyết về nhà ở giá thấp, tạo cơ chế để doanh nghiệp tham gia phân khúc này. Năm 2021, nếu tháo gỡ được những điểm này thì thị trường có thể hồi phục mạnh mẽ", lời ông Châu.
Đưa ra dự báo về thị trường BĐS năm 2021, ông Châu cho biết, bên cạnh phân khúc nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch cũng có nhiều cơ hội phát triển, cần tập trung phát triển thị trường bất động sản du lịch để đưa đất nước phát triển. Đây là ngành công nghiệp không khói.
Năm 2021, xu hướng ly tâm, chuyển hướng mạnh mẽ đi các tỉnh cũng tiếp tục diễn ra. "Chúng tôi cho rằng, khi đầu tư, các chủ đầu tư nên chọn địa phương có lãnh đạo có tầm nhìn, địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội", ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, còn có cơ hội rất lớn, không nên bỏ lỡ; đại dịch Covid-19 là cơ hội để định hình xu hướng phát triển trong tương lai, kiểm soát rủi ro pháp lý, tài chính và rủi ro về bộ máy quản trị của doanh nghiệp.
Đỗ Phương
- Đi tìm "công thức" sinh lời khi đầu tư đất nền, biệt thự phía ven Hà Nội
- Tận hưởng không gian sống hoàn hảo tại “siêu phẩm” nhà mẫu mặt tiền sông The Pearl Riverside
- Khai trương văn phòng bán hàng Vinhomes Ocean Park và lần đầu tiên ra mắt căn hộ mẫu Ruby
- Vinhomes là doanh nghiệp bất động sản duy nhất được Forbes vinh danh Top 5 Thương hiệu dẫn đầu Việt Nam
- Thị trường bất động sản tạo thời cơ cho nhà đầu tư dài hạn
- Xu hướng sống ở căn hộ tại thành phố Biên Hòa