Trạm trộn bê tông gây ô nhiễm tại quận Bắc Từ Liêm:
Như đã đề cập ở số báo trước, trạm trộn bê tông của Cty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội tồn tại đã lâu ở khu đô thị Nghĩa Đô gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân đã được các hộ dân trong khu vực nhiều lần phản ảnh kiến nghị cần được di dời, thế nhưng hàng ngày, hàng giờ trạm trộn bê tông này vẫn ngang nhiên hoạt động. Liên quan tới vụ việc trên ngày 9-9-2014 PV báo PL&XH đã có mặt tại trụ sở của Cty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội để đặt lịch làm việc với ban lãnh đạo Cty về vấn đề trên.
Khi thấy sự có mặt của cơ quan báo chí, lãnh đạo Cty dù đang có mặt tại cơ quan nhưng đã tìm cách tránh né yêu cầu bộ phận lễ tân thông báo là “bận và sẽ gặp sau”. Thậm chí một nhân viên tên Hà tự xưng là nhân viên phòng Hành chính còn khẳng định chắc nịch là lãnh đạo Cty chỉ làm việc với PV có giấy giới thiệu, “không có chuyện cầm thẻ nhà báo đặt lịch làm việc như vậy, Cty này không có quy định như thế”, nhân viên Hà cho biết. Khi PV đề nghị được cung cấp bằng văn bản liên quan tới quy định trên của Cty thì nhân viên này để một nhân viên lễ tân khác nhận đặt lịch làm việc vào ngày 13-9-2014.
Trạm trộn bê tông tại khu đô thị Nghĩa Đô hoạt động cạnh khu tường bao rất thấp. Ảnh: Nguyễn Đăng
Có mặt theo đúng lịch hẹn làm việc vào ngày 13-9-2014 PV nhận được thông báo ban Giám đốc tiếp tục bận, khi được PV cho biết lịch hẹn đã được đặt nếu bận sao Cty không thông báo và đổi lịch hẹn thì một nhân viên lễ tân “mới toanh” cho biết: “Lịch anh hẹn lần trước là với 2 chị nhân viên lễ tân khác nhưng hôm nay cả hai “đều” có việc nghỉ và không bàn giao lại lịch làm việc nên không biết để thông báo”. Việc Cty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội liên tục lỡ hẹn PV chỉ chấm dứt khi ông Hồ Ngọc Chương Phó Tổng Giám đốc Cty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội có liên hệ với PV và chủ động “chốt” buổi làm việc cụ thể vào ngày 16-9-2014.
Tại buổi làm việc, ông Chương khẳng định mình được Ban Giám đốc cử để trả lời báo chí, khi được hỏi về việc tồn tại của trạm trộn bê tông tại khu đô thị Nghĩa Đô ông Chương cho biết: “Trạm trộn bê tông này chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008 để phục vụ dự án của khu đô thị Nghĩa Đô và những dự án khác của Cty. Trạm trộn bê tông chủ yếu hoạt động vào ban đêm và có thực hiện đúng theo những quy định đối với trạm trộn bê tông”. Thế nhưng khi được hỏi việc tồn tại một trạm bê tông giữa khu dân cư như vậy sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân như tiếng ồn, khói bụi, ông Chương thừa nhận: “Việc trạm trộn bê tông có gây tiếng ồn, khói bụi nhiều là điều không tránh khỏi”.
Trạm trộn bê tông tại khu đô thị Nghĩa Đô hoạt động cạnh khu tường bao rất thấp. Ảnh: Nguyễn Đăng
Về phía Cty ông Chương cho biết đã có những buổi làm việc với các hộ dân trong khu đô thị mới Nghĩa Đô còn những hộ dân liền kề đặc biệt là các hộ dân thuộc khu dự án nhà ở quân đội Cổ Nhuế, Từ Liêm (nơi nằm ngay cạnh trạm trộn bê tông) thì “Cty không làm việc với người dân vì họ không nằm trong khu đô thị Nghĩa Đô”, ông Chương nói.
Khi PV đề cập tới việc các dự án tiếp theo tại khu đô thị Nghĩa Đô chưa được triển khai nhưng trạm trộn bê tông vẫn hoạt động thì có chăng việc trạm trộn bê tông đang hoạt động kinh doanh mà không phục vụ dự án theo như phản ánh. Ông Chương cho biết, trạm trộn bê tông được Cty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội cho Cty Văn Phú thuê lại để tiến hành trộn bê tông phục vụ dự án tại khu đô thị Nghĩa Đô và các hoạt động kinh doanh khác của Cty Văn Phú. Điều này khẳng định rõ ràng trạm trộn bê tông đang tồn tại ở khu đô thị Nghĩa Đô rõ ràng không chỉ phục vụ cho những dự án tại đây mà chủ yếu nhằm mục đích kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi được yêu cầu cung cấp các văn bản liên quan tới việc Cty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội có biên bản làm việc với các hộ dân và giấy tờ liên quan tới việc Cty cổ phần đầu tư và xây dựng số 1 Hà Nội cho Cty Văn Phú thuê lại trạm trộn bê tông thì ông Chương cho biết ông không được ban lãnh đạo Cty giao việc này…
Báo Pháp luật và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Tại khoản 1, Điều 8 Nghị định số: 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định quyền hạn của nhà báo: Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước. |
Nguyễn Đăng
- Bộ Xây dựng trả lời cử tri Hà Nội về nhà chung cư trong nội đô quá nhiều
- Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng Hóa giữa Posco và TMT:
- Hà Nội: Hơn một tấn xương trâu, bò bốc mùi chuẩn bị vào nhà hàng
- Vĩnh Phúc: Xả thải gây ô nhiễm môi trường, Cty Vinatop “xin” cơ quan chức năng… “tạo điều kiện”
- Chuyện lạ khi sinh con thứ 3: “Tự nguyện” đóng tiền mới được lấy khai sinh?
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 6/2017
- công ty ép cọc bê tông uy tín tại Hà Nội
- Tấm xi măng cemboard
- Bó vỉa bê tông đúc sẵn
- Những Mẫu bàn ăn mặt đá Đẹp và Sang Trọng 2020
- Viettimes tin tức kinh tế mới nhất